Bệnh xá Đặng Thùy Trâm: Thiếu sức hút từ nhiều phía

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ở xã Phổ Cường, huyện Đức Phổ (Quảng Ngãi) được xây dựng nhằm khám và điều trị, chăm sóc sức khỏe cho dân trong vùng. Ý nghĩa hơn là để giáo dục thế hệ trẻ nêu gương tấm lòng tận tụy của người y đức đối với bệnh nhân, xả thân vì Tổ quốc như chị Trâm... Thế nhưng đã 5 năm trôi qua, trụ sở dần xuống cấp, thiếu người hướng dẫn du lịch, phương tiện khám- chữa bệnh chưa đáp ứng nhu cầu. Đường du lịch mở rồi tắt nghẽn, phương tiện phục vụ khách du lịch mục nát theo thời gian.

Thừa tiềm năng      

Ngay từ đầu cuốn nhật ký của nữ bác sĩ liệt sĩ Đặng Thùy Trâm trở về với Tổ quốc, với gia đình đã tạo sức hút khá mạnh từ bạn đọc báo Tuổi Trẻ và nhân dân cả nước. Để tri ân tấm lòng hy sinh vì Tổ quốc, trong một thời gian ngắn mà bạn đọc báo Tuổi Trẻ đã đóng góp hơn 7 tỷ đồng để xây dựng Bệnh xá mang tên chị Trâm trên quê hương mà chị đã ngã xuống trong thời kỳ chống Mỹ.

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Trường An

Bệnh xá xây dựng hoàn thành và đi vào hoạt động từ cuối năm 2006, nằm sát bên quốc lộ 1A thuộc thôn Nga Mân, xã Phổ Cường. Bệnh xá có các phòng chữa bệnh, một phòng truyền thống, lưu giữ những bức tranh ảnh hiện vật liên quan về những năm tháng hoạt động cách mạng ở chiến trường Đức Phổ của chị Trâm.

Bệnh xá có 15 biên chế và hợp đồng, thì đã có 3 bác sĩ đa khoa. Những y, bác sĩ này đa số là con em của "đất lửa" Phổ Cường. Hơn ai hết họ hiểu rõ sự khắc nghiệt của chiến tranh qua những người đi trước kể lại. Hòa bình trở về, trên quê hương này có nhiều người thương binh, trong đó có người thân của họ. Bây giờ, được gắn nghiệp với nghề y mà lại công tác ở bệnh xá mang tên chị Trâm, đội ngũ y-bác sĩ nơi đây càng nêu cao tấm gương của chị Trâm, tận tình chăm sóc bệnh nhân.

Trong nhiều năm qua ngoài việc khám- chữa bệnh cho nhân dân trong vùng, Bệnh xá còn là nơi kịp thời cứu chữa những người gặp nạn khi đi qua đoạn đường này. Nữ y sĩ Trần Thị Thanh Phương, thổ lộ: "Bệnh xá trực 24/24 giờ, nên đã đón nhận nhiều ca trong nguy cấp. Đó là những trường hợp chuyển dạ sinh nở giữa đường, tai nạn giao thông, cấp cứu những bệnh nhân hen suyễn, tăng huyết áp...

Khám- chữa bệnh ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm. Ảnh: Bích Hà
Khách du lịch tham quan chủ yếu tự tìm hiểu, thiếu hướng dẫn viên du lịch. Ảnh: Trường An

Trong cuốn Nhật ký của chị Đặng Thùy Trâm cũng có đoạn viết về những thủy thủ của đoàn tàu không số 43 khi vào bãi ngang thuộc thôn Quy Thiện, xã Phổ Hiệp để chuyển vũ khí thì bị địch tập kích đánh chìm tàu.

Trong thời gian chống cự các chiến sĩ trên tàu có người bị trọng thương. Các anh đã được đưa đến bệnh xá Đức Phổ và được bác sĩ Đặng Thùy Trâm cùng các y sĩ, y tá tận tụy chăm sóc. Khi hồi phục các chiến sĩ lên đường theo đường Hồ Chí Minh ra miền Bắc tiếp tục sự nghiệp cách mạng. Sức hút từ Bệnh xá Đặng Thùy Trâm có sự giao thoa giữa hai thời đại với hai thế hệ làm nghề y nhưng cùng chung một tấm lòng tận tình cứu chữa bệnh nhân.

Nhân dân trong vùng đã tin cậy tấm lòng y đức của những thầy thuốc nơi đây. Bệnh xá ngày đầu đông đúc người dân thuộc các xã Phổ Cường, Phổ Khánh, Phổ Thạnh đến khám và điều trị. Bệnh nhân đến khám đa số người nghèo, nên Bệnh xá đã mở hẳn một bếp ăn tình thương ngay bên cạnh trạm xá.

Ngoài việc khám- chữa bệnh, khách du lịch trong nước, ngoài nước cũng đã đến tham quan, tìm hiểu và muốn tận mắt chứng kiến những bức tranh ảnh về một con người có tâm hồn cao đẹp trong thời đại bi thương của đất nước.

Ngành du lịch Quảng Ngãi thấy vậy đã xây dựng hẳn một tuyến du lịch bắt cầu từ Bệnh xá Đặng Thùy Trâm bây giờ đến Bệnh xá thời chiến tranh chống Mỹ được dựng lên trên cánh rừng phía Đông của xã Ba Khâm (Ba Tơ) và nơi chị Trâm ngã xuống.

Tuy nhiên, những gì có được nơi Bệnh xá, đến giờ không thể kéo chân được du khách... Mọi việc từ khám-
chữa bệnh, đến chuyện du lịch đã dần lùi lại theo năm tháng.

Thiếu đầu tư

Bệnh xá Đặng Thùy Trâm ngày càng xuống cấp. Ảnh: Trường An

Hiện vật, hình ảnh chị Trâm vẫn còn đó. Nhưng, Bệnh xá trông thật đìu hiu vắng lặng. Bác sĩ Nguyễn Văn Diệp- Trưởng Bệnh xá Đặng Thùy Trâm chỉ lên tầng nhà, bảo: Những thanh sắt bắt ngang đỡ ngói lợp trụ sở, nhiều chỗ đã mục nát. Anh em trong Bệnh xá thấy vậy đã chặt tre vắt ngang đề phòng ngói rơi trúng khách tham quan. Phương tiện khám- chữa bệnh cho nhân dân cũng thiếu. Bệnh xá có 3 bác sĩ và các y sĩ đáp ứng được các việc, như mổ thông thường, siêu âm, xét nghiệm máu, nhưng lại thiếu máy xét nghiệm. Những bệnh thông thường mà không có phương tiện để cứu chữa bệnh nhân nên bà con đã lên tuyến trên điều trị. Vì vậy, mà vài năm trở lại đây số lượng bệnh nhân cứ giảm dần.

Theo chỉ tiêu giao năm 2011, Bệnh xá điều trị 600 lượt người bệnh với công suất 10 gường bệnh nhưng thực tế chỉ có 7 gường bệnh, điều trị được 395 lượt người. Năm qua, các bệnh tay chân miệng, bệnh sốt xuất huyết, hen suyễn, tăng huyết áp tăng cao nhưng đa số bệnh nhân lên tuyến trên.

Du khách đến tham quan ở Bệnh xá cũng ngày càng giảm dần. Theo bác sĩ Diệp, lượng khách đến tham quan ở Bệnh xá Đặng Thùy Trâm này chỉ còn 1/5 so với trước. Khách chủ yếu là thuộc các cơ quan, ban ngành trong và ngoài tỉnh đi theo tua bắt buộc. Họ tạt ngang đến nhìn, đọc tranh 5 -10 phút rồi vội vàng đến địa điểm khác.

Điều mà bác sĩ Diệp trăn trở là tuyến du lịch theo dòng Nhật ký Đặng Thùy Trâm được tỉnh đầu tư mở ra rồi tắt nghẽn. Hiện nay, hai chiếc thuyền sắt đã được đầu tư nhằm đưa khách tham quan qua hồ Liệt Sơn đến địa điểm bệnh xá và nơi chị Trâm ngã xuống đã mục nát, tuyến đường lu lấp. Bệnh xá dã chiến hoang vắng không bóng người.

Nghe lời bác sĩ Diệp chia sẻ, lòng tôi cảm thấy bùi ngùi. Rồi một mai đây, theo đà này, tuyến đường theo dòng nhật ký của chị Trâm được mở rộng phục vụ khách tham quan? Tâm hồn và đức hy sinh của chị có được phát huy trong cộng đồng giới trẻ hôm nay, khi ở Bệnh xá nơi lưu giữ những bức tranh ảnh hiện vật của chị không có người thuyết minh...

Trường An
 

Có thể bạn quan tâm