Thời sự - Bình luận

BHXH phải hấp dẫn hơn

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Thảo luận ở hội trường về dự án Luật Bảo hiểm xã hội (BHXH) sửa đổi vào ngày 23-11, các đại biểu Quốc hội đã có những ý kiến đa chiều.

Ngoài hai phương án của Chính phủ: giữ quy định hiện hành đối với người lao động (NLĐ) có thời gian đóng BHXH trước ngày luật này có hiệu lực hoặc chỉ giải quyết một phần nhưng không quá 50% tổng thời gian đã đóng vào quỹ hưu trí, tử tuất; theo Ủy ban Xã hội của Quốc hội, còn có nhóm ý kiến thứ ba chưa đồng ý với cả hai phương án và Ủy ban Xã hội đề nghị chỉ nên có một phương án nhưng thiết kế thành nhiều phương thức khác nhau (có các quy phạm tương ứng) để NLĐ lựa chọn.

Chắc chắn đây là vấn đề còn bàn thảo nhiều trong các chương trình nghị sự, bởi phương án nào cũng có cơ sở lý luận và thực tiễn với những bài toán cụ thể về quyền lợi. Nếu cho rằng phương án 1 sẽ tạo sự bất bình đẳng, tiềm ẩn nguy cơ ồ ạt rút bảo hiểm một lần thì phương án 2 cho rút 50% không hợp lý vì đây là "tiền của NLĐ" và trái với mục đích, tính chất của chế độ bảo hiểm hưu trí.

Tuy nhiên, qua phân tích của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội thì trong số NLĐ rời lưới an sinh giai đoạn 2016-2022 có gần 80% ở độ tuổi 20-40 có nhu cầu cấp bách về tài chính. Việc cho rút 50% sẽ giải quyết cùng lúc hai bài toán bảo đảm quyền lợi rút bảo hiểm của NLĐ và vẫn bảo lưu được hưu trí về sau.

Về điều kiện hưởng lương hưu, việc điều chỉnh số năm tối thiểu đóng BHXH từ 20 năm còn 15 năm như dự thảo là phù hợp, thu hút nhóm NLĐ cao tuổi (từ 45 tuổi đến 55 tuổi) đã hưởng chế độ BHXH một lần quay lại tham gia BHXH để được hưởng lương hưu; giữ NLĐ ở lại trong hệ thống BHXH, bảo đảm tốt hơn cuộc sống khi về già cho họ.

Một băn khoăn khác là tỉ lệ đóng quỹ BHXH. Luật hiện hành quy định mức đóng BHXH bắt buộc là 25,5%, bao gồm quỹ hưu trí, tử tuất 22%, ốm đau thai sản 3% và 0,5% vào quỹ tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp; 4,5% vào Quỹ Bảo hiểm y tế và 2% vào Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp. Tổng mức đóng 32% tiền lương tháng làm căn cứ tính đóng BHXH. 13 hiệp hội doanh nghiệp (DN) cho rằng tổng mức đóng cao, kiến nghị giảm còn 24% để bớt gánh nặng cho DN và NLĐ. Trong thực tế, do nền lương DN đóng BHXH cho NLĐ đa số đều thấp nên lương hưu ở nước ta thấp, Chính phủ phải điều chỉnh để bù đắp mức sống tối thiểu.

BHXH là những quyền lợi hết sức thiết thân với NLĐ và cũng là gánh nặng trách nhiệm của DN. Những nội dung luật định về BHXH lâu nay luôn nhận được sự quan tâm lớn của xã hội, do đó cách tiệm cận để thiết kế những chính sách quan trọng này phải sát sườn đời sống của NLĐ. Phương châm phải giữ vững trụ đỡ BHXH và mở rộng lưới an sinh xã hội bền vững, bao phủ nhiều đối tượng xã hội; đồng thời bảo đảm những quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người thụ hưởng. Cần tính toán về tỉ lệ đóng-hưởng phù hợp thực tế đời sống người tham gia, các chính sách về BHXH ngày càng thiết thực và hấp dẫn, giúp NLĐ thấy rõ quyền lợi họ được hưởng khi tham gia BHXH là hiện hữu và gần gũi, được bảo đảm tương lai, từ đó mới an tâm gắn bó lâu dài.

Có thể bạn quan tâm