Khoa học - Công nghệ

Bí ẩn khoa học

Bí ẩn Hắc Thạch - hòn đá thiêng nổi tiếng nhất thế giới

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Hàng triệu tín đồ Hồi giáo trên toàn thế giới mỗi năm một lần lại thực hiện lễ hành hương Hajj về Thánh địa Mecca để tỏ lòng quy phục Thánh Allah và gột rửa linh hồn. Thánh địa này có diện tích 463m², nằm trong thung lũng sa mạc phía tây Arập Xêút, đây được cho là nơi sinh ra Nhà tiên tri Mohammed. Nhiều người Hồi giáo tin rằng, phiến đá này có năng lực siêu nhiên.

 

Tảng đá thiêng "hấp thu tội lỗi của nhân loại"

Thánh địa Mecca hiện có hơn 1,2 triệu dân, nơi đây có rất nhiều thánh đường nguy nga lộng lẫy và cổ xưa nhất.  Lễ hành hương Hajj là một trong những sự kiện lớn nhất của người Hồi giáo, đồng thời là một trong 5 trụ cột của đạo Hồi.

Khi tham gia lễ Hajj, những tín đồ Hồi giáo phải thực hiện một loạt nghi thức như đi bộ ngược chiều kim đồng hồ 7 lần xung quanh Kaaba ở giữa sân nhà thờ Hồi giáo Masjid al-Haram, chạy qua lại giữa các ngọn đồi Al-Safa và Al-Marwah, uống nước từ giếng Zamzam, đi tới vùng đồng bằng gần núi Arafat để thức thâu đêm và tham gia "ném đá quỷ dữ" trừ tà. Tất cả những người theo đạo Hồi đều mong muốn một lần trong đời trải qua nghi lễ thiêng liêng này. Đối với họ, lễ hành hương là đỉnh cao tinh thần trong cuộc sống.

Lễ Hajj là sự kiện minh chứng cho sự đoàn kết của người Hồi giáo cũng như lòng quy phục của họ trước Thánh Allah. Một số người coi lễ Hajj là bổn phận tôn giáo cần phải hoàn thành. Vì thế, họ bất chấp nguy hiểm để thực hiện nghi lễ này. Nhiều người còn phải tiết kiệm tiền trong hàng chục năm chỉ để được một lần tham gia lễ hành hương.


 

 Hắc Thạch nhìn phía trước.
Hắc Thạch nhìn phía trước.



Theo ABC News, một lý do khác khiến hàng triệu người Hồi giáo đổ về thánh địa Mecca mỗi năm là bởi họ tin tưởng khi tham gia vào lễ hành hương Hajj sẽ giúp linh hồn được tái sinh. Kinh Koran cho rằng vào Ngày phán xét, Thượng đế sẽ cân nhắc giữa điều ác và việc thiện mà một người làm trong đời để quyết định đưa họ tới thiên đàng hay địa ngục. Vì thế, lễ Hajj được xem như cơ hội để họ tẩy rửa tội lỗi trong quá khứ. Trong lễ hành hương tới thánh địa Mecca năm nay, có khoảng 2 triệu người Hồi giáo từ nhiều nước trên thế giới đổ về Arập Xêút.

Tuần trước, vụ giẫm đạp xảy ra ở Mina, cách thánh địa Mecca 5 km, trong lúc đang diễn ra một nghi lễ "ném đá quỷ dữ". Những đoàn người hành hương tranh nhau ném đá vào 3 chiếc cột, tượng trưng cho hành động loại bỏ cái ác.

Hành hương về thánh địa Mecca, hàng triệu tín đồ Hồi giáo nhất định phải đến nhà thờ Kaaba. Đây là nhà thờ Hồi giáo cổ xưa nhất trái đất, được cho là từng được người ngoại giáo sử dụng trước khi đạo Hồi ra đời. Nằm trong một góc nhà thờ Kaaba, Hắc Thạch (black stone) được cho là nơi Đấng tiên tri Mohammed ra đời. Người Hồi giáo tin rằng Thánh Allah đã ra lệnh xây dựng Kaaba và Đấng tiên tri Mohammed đã đặt tảng đá vào bức tường của Kaaba năm 605.


 

 Người Hồi giáo thực hiện nghi lễ quanh Kaaba.
Người Hồi giáo thực hiện nghi lễ quanh Kaaba.



Kaaba là một cấu trúc tựa hình hộp chữ nhật, xây bằng đá granite, cao 15,2 m, rộng 10,7 m, dài 12,2 m, được phủ lụa đen kiswa thêu chỉ vàng bên ngoài. Phía đông nam của Kaaba là cánh cửa bằng vàng ròng. Bên trong, sàn nhà lát cẩm thạch và đá vôi, có 3 cột trụ. Phiến đá thánh Hắc Thạch nằm ở góc đông nam của tòa nhà, cao hơn mặt đất 1,5 m.

Người Hồi giáo tin rằng, nhà tiên tri Mohammed  từng hôn lên phiến đá, do đó, họ khát khao ít nhất một lần trong đời được hành hương đến Kaaba và hôn lên Hắc Thạch. Tảng đá được mô tả có màu đen sẫm, dài khoảng 0,6 m. Bề mặt nó đen bóng, theo quan niệm của đạo Hồi, tảng đá vốn màu trắng, nhưng dần chuyển đen vì "hấp thu tội lỗi của nhân loại".



 

Tranh minh họa Nhà tiên tri và các bô lão ở Mecca nâng hòn đá đặt vào chỗ linh thiêng.
Tranh minh họa Nhà tiên tri và các bô lão ở Mecca nâng hòn đá đặt vào chỗ linh thiêng.



Hắc Thạch được mô tả lần đầu trong nền văn học phương Tây thế kỷ XIX. Một khách du lịch người Thụy Sĩ tên là Johann Ludwig Burckhardt đến Kaaba năm 1814 và tả lại Hắc Thạch trong quyển sách về chuyến du lịch Arập của mình xuất bản năm 1829: "Nó có hình bầu dục không đều, đường kính khoảng 18 cm, mặt trên sần sùi do có một tá viên đá dăm kích cỡ khác nhau được kết dính vào bởi một lượng nhỏ ximăng mịn; tảng đá như thể từng vỡ tan tành rồi được gắn lại".

Nhà tiên tri Mohammed gọi Hắc Thạch là "bàn tay phải của Chúa", tượng trưng cho lòng trung thành và sự phục tùng. Có những ý kiến cho rằng, Hắc Thạch xuất hiện trong Ngày phán xét, có những đôi mắt để nhìn, chiếc lưỡi để nói chuyện. Những ai hôn lên hòn đá là để tỏ lòng thành kính với Thánh Allah. Nơi đặt hòn đá cũng ngăn cấm mọi người bàn tán, hay nói bậy…

Người Hồi giáo cũng tin rằng, Hắc Thạch là một phần của đá trời. Có nhiều truyền thuyết về nó như khi Adam bị trục xuất khỏi vườn địa đàng, ông cảm thấy vô cùng tội lỗi. Hắc Thạch được trao cho Adam để giúp ông rửa sạch tội lỗi và cho phép ông trở lại thiên đàng. Một số khác cho rằng, tảng đá được lấy từ ngọn núi gần đó bởi tổng lãnh thiên thần Gabriel. Qua thời gian, tảng đá bị hư hỏng nhiều. Trong thời gian vương triều Hồi giáo Umayyad bao vây Mecca năm 683, nó được cho là bị vỡ làm nhiều mảnh do trúng đạn đá. Năm 930, tảng đá bị đánh cắp và đưa về Hajar - đảo quốc Bharain ngày nay, sau đó được hoàn trả về cho Mecca.

Có nhiều truyện kể về người bị giết chết do cố ý giao tiếp với tảng đá. Trong thế kỷ XI, một người đàn ông bị cáo buộc có ý định phá vỡ tảng đá và bị giết ngay tại chỗ, khiến tảng đá hư hỏng nhẹ. Năm 1674, có người đã cố ý dùng chất bẩn  bôi vào Hắc Thạch để "người nào hôn lên đó râu tóc sẽ bị vấy bẩn". Người Ba Tư bị nghi ngờ có liên quan đến vụ này và là mục tiêu bị người Hồi giáo nguyền rủa nhiều thế kỷ sau. Ngày nay, viên đá vẫn còn dấu tích của những mảnh vỡ, ước tính từ 7-15 mảnh. Chúng được dính lại với nhau bằng một khung bạc, đóng đinh bạc để gắn chặt với tảng đá.

Thành phần cấu tạo lên Hắc Thạch là gì?

Vì không được phép nghiên cứu trực tiếp tảng đá, nên các nhà khoa học chỉ có thể phỏng đoán về yếu tố cấu thành của nó. Họ phỏng đoán, đó là một tảng đá bazan, mã não, thậm chí là đá vỏ chai từ vũ trụ. Một giả thuyết cho rằng, hòn đá chính là thiên thạch được người Arập tiền Hồi giáo thờ phụng. Anthony Hampton và các nhà địa chất học ở Đại học Oxford, Anh, đã lấy mẫu cát gần nơi tảng đá và xét nghiệm.



 

Hắc Thạch được bao bọc bởi khung bạc.
Hắc Thạch được bao bọc bởi khung bạc.


"Tảng đá được bao phủ trong sương mù, vì những người trông coi nó không cho phép tiến hành bất kỳ thử nghiệm khoa học nào trên nó vì lý do văn hóa và tôn giáo. Do đó, nhiều nỗ lực được thực hiện để xác định thông tin về nó. Những mẫu cát địa phương lấy từ bán kính 2 km của tảng đá cho thấy một lượng iridium - kim loại thường thấy trong thiên thạch rơi xuống trái đất, nhiều hơn mức bình thường so với lượng iridium trung bình trong vỏ trái đất.

Ngoài ra, còn rất nhiều tế bào hình nón bị vỡ - một đặc điểm địa chất hiếm gặp chỉ hình thành trong nền đá miệng hố khi thiên thạch va chạm với mặt đất, hoặc các vụ nổ hạt nhân dưới lòng đất". Tuy nhiên, một nghiên cứu khác do Robert S.Dietz và John McHone ở Đại học Illinois tiến hành năm 1975 lại kết luận Hắc Thạch không phải là đá thiên thạch hay ẩn chứa sức mạnh siêu nhiên gì.



 

Hắc Thạch khi nhìn gần.
Hắc Thạch khi nhìn gần.



Một nhà địa chất vô danh người Arập từng thực hiện nghi lễ Haji đã kiểm tra hòn đá, phát hiện thấy có dải sáng khuếch tán cho thấy nó thực chất là đá mã não.

Elsebeth Thomsen ở Đại học Copenhagen, Đan Mạch, đề xuất một giả thuyết khác vào năm 1980. Bà cho rằng, đá có thể là một mảnh thủy tinh hình thành từ tác động của thiên thạch bị phân mảnh rơi tại Wabar, một địa điểm ở sa mạc Rub 'al Khali cách Mecca 1.100 km về phía đông. Các miệng hố tại Wabar là điểm nhấn cho sự hiện diện của các khối thủy tinh silica được nung chảy bởi độ nóng của những cú va chạm và được ngâm trong các hạt từ một hợp kim niken-sắt có trong thiên thạch (hầu hết trong số đó đã bị phá hủy vì các tác động).


 

Các tín đồ hành hương rất muốn hôn hòn đá, nếu không hôn được, họ dùng tay để tiếp cận.
Các tín đồ hành hương rất muốn hôn hòn đá, nếu không hôn được, họ dùng tay để tiếp cận.



Một số miếng thủy tinh được tạo ra từ thủy tinh đen sáng bóng, có lỗ màu trắng hoặc màu vàng, chứa đầy khí, cho phép chúng nổi trên mặt nước. Mặc dù các nhà khoa học đã không biết tới các hố ở Wabar, mãi đến năm 1932, các hố nằm gần vị trí tới Oman đã được cư dân sa mạc phát hiện. Các hố lớn hơn đã được nhắc tới trong thi ca Arập cổ.

Wabar hoặc Ubar (còn được gọi là "Iram of Pillar) là vị trí của một thành phố cổ tuyệt đẹp, đã bị lửa thiêu rụi do sự nổi giận của vị vua trị vì thành phố đó. Nếu tính tuổi của chiếc hố là khá chính xác, nó nằm ở khoảng thời gian con người sinh sống ở vùng đất Arập. Giả thuyết viên đá là thiên thạch đang bị các nhà địa chất nghi ngờ. Phía Bảo tàng Lịch sử Tự nhiên Anh cho rằng, nó có thể là pseudometeorite (tảng đá mặt đất bị nhầm lẫn nguồn gốc là thiên thạch). Dù là gì đi nữa, Hắc Thạch vẫn là hòn đá thiêng nổi tiếng nhất thế giới, tiếp tục là trung tâm của những cuộc hành hương về vùng đất thiêng Mecca.

http://danviet.vn/bi-an-khoa-hoc/bi-an-hac-thach-hon-da-thieng-noi-tieng-nhat-the-gioi-1049424.html

Theo Văn Nguyễn (An Ninh Thế Giới/Dân Việt)

Có thể bạn quan tâm