Chính trị

Tin tức

Xây dựng Đảng

Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên: Nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Sáng 20-10, tại Hội trường 2-9 (TP. Pleiku), Ban Thường vụ Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức tọa đàm với chủ đề “Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ”. Các đồng chí: Hồ Văn Niên-Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh; Trương Hải Long-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh; Rah Lan Chung-Phó Bí thư Tỉnh ủy, Trưởng ban Nội chính Tỉnh ủy chủ trì buổi tọa đàm.
Tham dự tọa đàm có các Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh; lãnh đạo các cơ quan tham mưu, giúp việc Tỉnh ủy; Bí thư Huyện ủy, Thị ủy, Thành ủy, Đảng ủy trực thuộc Tỉnh ủy và một số tổ chức cơ sở Đảng.
Quan tâm công tác cán bộ
Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên nhấn mạnh: Trong lịch sử Đảng ta, hầu như không có đại hội nào mà Trung ương không đề cập đến công tác xây dựng Đảng. Những năm qua, Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo quán triệt, thực hiện nghiêm nghị quyết, kết luận của cấp trên. Cùng với đó, rà soát, sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện các quy định về công tác tổ chức cán bộ; thực hiện nghiêm các quy định của Trung ương, của tỉnh về trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh và cán bộ lãnh đạo các ngành, các cấp gắn với kiểm điểm tự phê bình và phê bình tập thể, cá nhân lãnh đạo, quản lý các cấp hàng năm. Bí thư Tỉnh ủy đề nghị các đại biểu thảo luận, kiến nghị, đề xuất để Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI.
Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Hồ Văn Niên phát biểu tại buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy
Một trong những vấn đề quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị là công tác cán bộ. Về vấn đề này, đồng chí Huỳnh Quang Thái-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy-cho biết: Quán triệt Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng, ngay đầu nhiệm kỳ 2020-2025, Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh đã ban hành Nghị quyết “về tập trung xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ tỉnh Gia Lai đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ”. Nhờ vậy, đội ngũ cán bộ thường xuyên được kiện toàn, củng cố, đảm bảo tinh gọn, chất lượng ngày càng tăng cao. Đến nay, đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh có 33.587 người, trong đó, ở cấp tỉnh có 9.161 người, cấp huyện 19.919 người, cấp xã 4.507 người. Để công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị đạt hiệu quả cao, Trưởng ban Tổ chức Tỉnh ủy kiến nghị: Chúng ta cần xây dựng tiêu chí đánh giá cán bộ, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ làm thước đo để đánh giá cán bộ. Trong hệ thống tiêu chí đánh giá cán bộ, cùng với tiêu chí về phẩm chất chính trị, đạo đức, lối sống, cần chú trọng, nhấn mạnh tiêu chí về năng lực và kết quả thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao. Cùng với đó, đẩy mạnh công tác luân chuyển cán bộ; xây dựng và thực hiện kế hoạch luân chuyển cán bộ, trong đó quy định rõ mục tiêu, quan điểm, phạm vi, đối tượng, độ tuổi, thời gian luân chuyển, chế độ chính sách, quy trình luân chuyển, định hướng sắp xếp sau luân chuyển.
Cùng quan điểm, đồng chí Trịnh Duy Thuân-Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Bí thư Thành ủy Pleiku-cho rằng: Để làm tốt công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng, nâng cao hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị, công tác cán bộ phải đảm bảo tính kế thừa và phát triển, quán triệt sâu sắc các quan điểm, nguyên tắc của Đảng về công tác cán bộ và xây dựng đội ngũ cán bộ. Làm tốt công tác quản lý cán bộ về tư tưởng, lịch sử chính trị, phẩm chất đạo đức, lối sống cũng như các mối quan hệ của bản thân và gia đình. Thực hiện đầy đủ các chính sách hiện có; kiến nghị với Trung ương bổ sung, sửa đổi những bất cập trong chính sách cán bộ, nhất là cán bộ ở cơ sở.
Nêu cao vai trò của người đứng đầu
Tại buổi tọa đàm, nhiều đại biểu cho rằng: Đẩy mạnh xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ là yêu cầu cấp thiết hiện nay. Đại tá Phạm Hữu Trường-Phó Bí thư Đảng ủy, Phó Giám đốc Công an tỉnh-nêu ý kiến: Vai trò của người đứng đầu rất quan trọng trong công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị. Bởi người đứng đầu có tiên phong, gương mẫu thì nhiệm vụ của cơ quan, đơn vị mới thực hiện tốt. Chính vì thế, chúng ta cần kiên quyết đấu tranh, xử lý với mọi biểu hiện suy thoái, tiêu cực về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống; khuyến khích, tạo cơ chế, động lực để cán bộ, đảng viên dám nói thẳng sự thật, không bao che cái xấu, sai phạm; sai phạm đến đâu thì xử lý đến đó gắn với trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên và liên đới trách nhiệm với lãnh đạo, chỉ huy các cấp. Cùng với đó, chú trọng hơn nữa công tác khen thưởng, phải đúng người, đúng việc, kịp thời để động viên và tạo khí thế thi đua sôi nổi.
Tham gia ý kiến tại buổi tọa đàm, đồng chí Phạm Thị Vân-Bí thư Đảng ủy xã Ia Rbol (thị xã Ayun Pa) nêu giải pháp: Chúng ta cần phát huy vai trò giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền của MTTQ, các tổ chức chính trị-xã hội. Thông qua hoạt động của HĐND, MTTQ Việt Nam và các tổ chức chính trị-xã hội, mỗi cán bộ, đảng viên và người dân có thể tham gia giám sát các cơ quan, tổ chức Đảng. Cùng với đó, giám sát cán bộ, đảng viên, nhất là những đảng viên có chức có quyền, những cán bộ, đảng viên công tác, phụ trách những lĩnh vực dễ nảy sinh vi phạm.
Quang cảnh buổi tọa đàm. Ảnh: Đức Thụy
Phát biểu kết thúc buổi tọa đàm, Bí thư Tỉnh ủy Hồ Văn Niên cho rằng: Các ý kiến phát biểu, thảo luận tại buổi tọa đàm, nhất là việc đề xuất các nhóm giải pháp cần quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thể hiện tinh thần trách nhiệm của các đại biểu. Thời gian tới, chúng ta cần tập trung thực hiện Kết luận số 21 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII; tập trung khắc phục những tồn tại, hạn chế, yếu kém, bất cập để đổi mới, nâng cao chất lượng công tác chính trị, tư tưởng, tự phê bình và phê bình. Cấp trên, người đứng đầu, cán bộ lãnh đạo chủ chốt, cán bộ lãnh đạo các cấp trước hết phải nâng cao nhận thức, trách nhiệm, làm gương cho cấp dưới và người dân. Chú trọng công tác bảo vệ chính trị nội bộ, nhận diện các biểu hiện suy thoái, “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa”. Cùng với đó, xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là người đứng đầu gắn với đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị. Nêu cao trách nhiệm người đứng đầu trong công tác đấu tranh phòng-chống tham nhũng, lãng phí, tiêu cực; tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm cán bộ, đảng viên vi phạm.
Bí thư Tỉnh ủy nhấn mạnh: “Người đứng đầu cấp ủy, chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm quy định tiếp công dân, kịp thời chỉ đạo giải quyết những vấn đề mà người dân bức xúc liên quan đến cán bộ, đảng viên; tập trung xử lý dứt điểm các đơn, thư khiếu nại, tố cáo, các vụ việc gây bức xúc trong dư luận xã hội, góp phần củng cố và nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với cấp ủy, chính quyền các cấp”.
VĨNH HOÀNG
 

Có thể bạn quan tâm