Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Biến giấy vụn thành… tranh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam
(GLO)- Chỉ với hộp hồ dán, xấp giấy báo vụn, cuốn lịch cũ cùng tâm hồn nghệ sĩ, ông Diệp Năng Thông (SN 1936, số 31 Lê Lợi, phường Tây Sơn, TP. Pleiku) đã tạo ra hàng trăm bức tranh sống động về quê hương, đất nước.

Theo đuổi niềm đam mê

Nói về cơ duyên đến với môn nghệ thuật tranh xé giấy, ông Thông kể: Ông vốn là thợ may nhưng có chút năng khiếu hội họa. Hơn 40 năm trước, ông rất thích thú khi đọc một bài báo nói về việc ghép giấy màu thành tranh ở Nhật Bản.

Ông cho rằng, người Nhật làm được thì chắc chắn người Việt cũng làm được. Rồi niềm đam mê tranh xé giấy nhen lên từng ngày, cứ thôi thúc trong ông. Cũng đã đôi ba lần, ông tạm gác việc may vá để thử làm tranh xé giấy. Tuy vậy, ông chưa thể theo đuổi niềm đam mê này khi cuộc sống còn bộn bề lo toan.

Tác phẩm “Tây Nguyên” của ông Diệp Năng Thông.

Tác phẩm “Tây Nguyên” của ông Diệp Năng Thông.

Cách đây hơn 20 năm, khi kinh tế gia đình ổn định, các con trưởng thành, ông Thông mới quyết tâm biến đam mê thành hiện thực. Ngày ngày, ông dành thời gian đọc sách báo để có thêm kiến thức về dòng tranh này, rồi một mình say sưa ngồi xé xé, dán dán, vừa làm vừa tích lũy kinh nghiệm.

Sau nhiều lần thất bại, ngày 22-12-2007, ông Thông đã hoàn thành bức tranh đầu tiên có tên “Bảo vệ” tặng con trai trưởng Diệp Bảo Toàn. Để hoàn thiện bức tranh này, trong suốt 28 ngày, ông Thông đã miệt mài với một đống giấy vụn, lịch cũ, tỉ mẩn tìm đủ 2008 góc màu phù hợp để xé dán. Về ý nghĩa của những con số này, ông Thông tâm sự: “Ngày 28-2-2008 là ngày sinh nhật lần thứ 72 của tôi. Vì vậy, tôi đã chọn những con số này ẩn trong bức tranh làm quà tặng cho con trai”.

Bức tranh được anh Diệp Bảo Toàn treo trang trọng trong nhà. Bức tranh đặc tả cảnh sơn thủy hữu tình trên nền thảo nguyên xanh biếc. Nhân vật chính trong tranh là 2 con hổ, 1 con ngựa và 1 chú cún con. Thoạt nhìn, tôi không hiểu những nhân vật trong bức tranh có ăn nhập gì với nhau. Nhưng khi được ông Thông giới thiệu thì mới biết đây là những con giáp thể hiện năm sinh của các thành viên trong gia đình anh Toàn.

Ông Thông đã sắp đặt một cách khéo léo, tinh tế các con giáp để thành một gia đình hạnh phúc. Dưới góc phải bức tranh có bút ký của người bạn quá cố là họa sĩ Sống (Vẽ Sống).

Ông Diệp Năng Thông với tác giả tại nhà Ông tại 31 Lê Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Xuân Hiền

Ông Diệp Năng Thông với tác giả tại nhà Ông tại 31 Lê Lợi, TP. Pleiku. Ảnh: Xuân Hiền

Đến thăm nhà các con của ông Thông ở Pleiku, tôi cũng được chiêm ngưỡng nhiều bức tranh của ông Thông được treo trang trọng tại phòng khách. Các con cháu đều rất tự hào về những bức tranh do cha, ông mình sáng tạo.

Từ thời điểm bức tranh “Bảo vệ” ra đời đến nay, ông Thông đã hoàn thành cả trăm bức tranh xé giấy để tặng cho con cháu, bạn bè gần xa. Chủ đề của tranh đa phần là về cảnh đẹp của quê hương, đất nước.

Một điều đặc biệt là trong nhiều tác phẩm về quê hương, ông sáng tác dựa vào trí nhớ nhưng lại vô cùng chính xác. Tác phẩm “Quê ngoại” là cảnh về thôn Chánh Mẫn, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định.

Khi ngắm nhìn tác phẩm này, người quê Chánh Mẫn lại thấy nó giống nơi mình từng sống đến kỳ lạ. Đó là những ngôi nhà tranh nhỏ nhắn, xinh xắn trong khói lam chiều, những người mẹ hiền đang tảo tần một nắng hai sương trên cánh đồng lúa vàng ươm. Xa xa là ngọn núi Mò O với 2 đỉnh nhô lên giống một người ngửa miệng lên trời. Từng đường nét trong tranh có cảm giác như được chụp bằng máy ảnh chứ không phải bằng giấy xé. Các tác phẩm khác như: Cô gái sông Hương, Tây Nguyên, Gò Găng… cũng vô cùng sống động.

“Hữu xạ tự nhiên hương”

Ông Thông cho biết, thời gian để hoàn thành một bức tranh trung bình khoảng nửa tháng. Theo đó, mỗi ngày, ông dành chừng 2 tiếng đồng hồ để làm và làm vào bất kể thời điểm nào trong ngày. Theo ông, làm việc này rất cần sự kiên trì, tỉ mẩn. Nhiều hôm, dán xong thấy không phù hợp, ông gỡ ra làm lại cho đến lúc thấy ưng ý mới thôi.

Dù không nhằm mục đích kinh doanh nhưng vẫn có nhiều người tìm đến đặt mua tranh của ông Thông. Ông hồi nhớ: “Vị khách đầu tiên của tôi là bác sĩ Mai Trung Giáo với bức tranh “Cô gái Huế”. Sau đó, ông Giáo chia sẻ bức tranh lên trang cá nhân. Những người bạn của ông Giáo bên Pháp rất thích bức tranh này và bày tỏ mong muốn có được những bức tranh độc, lạ này. Vì vậy, ông Giáo đã đặt hàng mua 10 bức tranh để tặng cho bạn bè”.

Tác phẩm Bảo vệ. Ảnh: Xuân Hiền

Tác phẩm Bảo vệ. Ảnh: Xuân Hiền

Các bức tranh của ông Thông tặng cho con, cháu mang vào TP. Hồ Chí Minh tình cờ lọt vào mắt xanh của những người kinh doanh tranh chuyên nghiệp. Họ đánh giá rất cao về những bức tranh xé giấy của ông Thông. Cuối năm 2023, họ đã cử một ê kíp ra nhà ông Thông để chụp ảnh, quay phim, số hóa toàn bộ những bức tranh hiện có. Họ cũng thương lượng để mua bản quyền toàn bộ những bức tranh còn lại để kinh doanh trên nền tảng số NFT.

Tuy nhiên, ông Thông chưa đồng ý. NFT là viết tắt của cụm từ Non-Fungible Token (tài sản không thể thay thế). Đây là một nội dung số được xây dựng trên hệ thống chuỗi khối-blockchain. Bản thân NFT không phải là một loại tài sản vật lý, mà là một loại mã hóa để lưu trữ và giao dịch trên thế giới số. Khi “mua” một bức tranh trên NFT, không có nghĩa là mang một bức tranh về, mà đã “mua” quyền sở hữu của tác phẩm đó trên nền tảng số.

Hiện nay, gia đình ông Thông đang lưu giữ khoảng 20 tác phẩm tranh xé giấy. Điều đáng tiếc là cho đến nay công chúng ở phố núi Pleiku cũng chưa nhiều người biết đến những bức tranh tuyệt đẹp này. Hy vọng trong một ngày không xa, những tác phẩm tranh xé giấy của ông Thông sẽ được nhiều người biết đến hơn.

Có thể bạn quan tâm