Biện pháp bền vững, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh Gia Lai là một trong những giải pháp quan trọng, góp phần vào việc phấn đấu đến cuối năm 2015 giảm số giờ giải quyết thủ tục hành chính của ngành chỉ còn 49,5 giờ.

Hàng năm, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Gia Lai quản lý thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN của 2.400 đơn vị, doanh nghiệp với lượng hồ sơ giao dịch trên 641.952. Việc triển khai thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN được Bảo hiểm xã hội tỉnh đặc biệt chú trọng. Phóng viên Báo Gia Lai đã có cuộc trao đổi với ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh về vấn đề này.

 

Ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc Bảo hiểm Xã hội tỉnh. Ảnh: Trần Dung

- P.V: Thưa ông! Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xây dựng kế hoạch cụ thể và tổ chức triển khai việc thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức giao dịch điện tử như thế nào?

Thực hiện Nghị quyết số 19/NQ-CP của Chính phủ về những nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia và Chỉ thị số 24/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường quản lý và cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực thuế, hải quan. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bảo hiểm Xã hội nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung quy trình, thủ tục hành chính thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN đến cuối năm 2014 cắt giảm 1/3 số lần và giảm 50% số giờ thực hiện. Thời gian vừa qua, Bảo hiểm Xã hội Gia Lai đã triển khai rà soát, xây dựng quy trình, định mức, tiêu chí về hồ sơ, thời gian thực hiện… Ngành đã ký kết với Bưu điện tỉnh về dịch vụ chuyển hồ sơ. Dịch vụ này thông qua hệ thống bưu điện nhằm giúp cho người lao động, đơn vị sử dụng lao động không phải tiếp cận với cơ quan Bảo hiểm Xã hội nữa mà thông qua bưu điện để chuyển hồ sơ đến các cơ quan Bảo hiểm. Và ngược lại, qua cơ quan Bưu điện, Bảo hiểm Xã hội sẽ trả hồ sơ cho các đơn vị sử dụng lao động. Việc triển khai chương trình kê khai BHYT, BHXH, BHTN qua hệ thống internet (dưới dạng là giao dịch trên cơ sở phần mềm và Email) là bước để làm tiền đề tiến tới giao dịch điện tử.  

Để triển khai thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tham mưu với UBND tỉnh chỉ đạo các đơn vị liên quan tổ chức thực hiện kê khai nộp BHXH, BHYT, BHTN qua mạng internet. Với mục tiêu trong quý I-2015, 30% các doanh nghiệp trên địa bàn phải thực hiện công tác kê khai này và đến cuối năm 2015 phải đạt chỉ tiêu 70%. Đồng thời, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã xây dựng các nội dung để ký kết với Cục Thuế tỉnh về quy chế phối hợp về trao đổi, cung cấp các thông tin của các đơn vị sử dụng lao động. Vừa qua, Bảo hiểm Xã hội tỉnh đã tổ chức tập huấn cho các đơn vị sử dụng lao động về việc thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN.

 

Bảo hiểm Xã hội tỉnh ký kết với Bưu điện tỉnh về dịch vụ chuyển hồ sơ. Ảnh: Trần Dung

Song song với đó, chúng tôi cũng đã chỉ đạo cho Bảo hiểm các địa phương rà soát các điều kiện ở cơ sở như máy móc, cơ sở vật chất, trang-thiết bị kỹ thuật cũng như các đường truyền để khẩn trương triển khai thực hiện. Bên cạnh đó, công tác tuyên truyền cũng được chúng tôi đẩy mạnh để người lao động cũng như các đơn vị sử dụng lao động thực hiện việc thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức giao dịch điện tử.

- P.V: Việc thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN, ngoài sự nỗ lực của cơ quan BHXH cũng rất cần sự hợp tác của các đơn vị, doanh nghiệp, bởi quá trình cải cách phải có sự tương tác giữa 2 bên. Theo ông, các doanh nghiệp cần lưu ý tới những vấn đề gì để vừa khai thác tốt những lợi thế từ việc thực hiện giao dịch điện tử, vừa hỗ trợ cơ quan quản lý đạt được mục tiêu đề ra?

Trước hết, các doanh nghiệp cần quán triệt tinh thần cải cách hành chính của Chính phủ, nhằm nâng cao sức cạnh tranh trong môi trường hội nhập sâu như hiện nay. Đây là vấn đề “sống-còn” của các doanh nghiệp. Trên cơ sở đó, để tạo sự đồng thuận trong lãnh đạo cũng như những người tổ chức thực hiện công tác này ở các doanh nghiệp, cần lưu ý những điểm sau: Các doanh nghiệp cần phải quan tâm đầu tư các cơ sở vật chất, trang-thiết bị máy móc… để tạo điều kiện triển khai công tác này một cách tốt nhất. Sau khi tham gia các khóa tập huấn, các doanh nghiệp cần tiến hành các phần mềm kê khai. Hơn nữa, doanh nghiệp phải rà soát các thông tin về người lao động tham gia BHXH, BHYT, BHTN. Bởi vì, để làm “sạch” các cơ sở dữ liệu của mình thì doanh nghiệp phải rà soát lại độ chính xác thông tin của người lao động để kịp thời điều chỉnh. Sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan Bảo hiểm Xã hội và các doanh nghiệp sẽ là nhân tố quyết định sự thành công trong công tác triển khai thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN bằng hình thức giao dịch điện tử.

- P.V: Những khó khăn, thuận lợi trong việc triển khai việc thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN? Thưa ông!

Bước đầu, ngành được sự quan tâm, chỉ đạo của các cấp lãnh đạo và sự phối hợp của các đơn vị liên quan trong việc triển khai việc thực hiện thu, nộp BHXH, BHYT, BHTN. Tuy nhiên, đối với Gia Lai, các doanh nghiệp còn nhỏ lẻ nên họ không kỳ vọng nhiều vào công tác này. Nhiều đơn vị ở vùng sâu, vùng xa cơ sở vật chất còn thấp, trình độ công nghệ thông tin còn yếu, thậm chí, nhiều nơi còn  chưa có mạng internet… nên rất khó khăn trong việc triển khai thực hiện.

- P.V: Thưa ông! Việc thực hiện giao dịch điện tử về BHXH, BHYT, BHTN có thể coi là biện pháp bền vững, lâu dài không?

Việc thực hiện kê khai nộp BHXH, BHYT, BHTN qua hệ thống internet để tiến tới giao dịch điện tử, có thể khẳng định- đây là biện pháp căn cơ, bền vững và lâu dài. Trong môi trường hội nhập đầy cạnh tranh như hiện nay thì việc thực hiện giao dịch điện tử trong kê khai nộp BHXH, BHYT, BHTN là một bước tiến lớn nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp.

Đối với ngành Bảo hiểm Xã hội tỉnh, năm 2015 được xác định là năm cải cách mạnh mẽ các thủ tục hành chính, chuyển đổi phong cách làm việc theo hướng phục vụ người lao động và nhân dân tham gia BHXH, BHYT, BHTN.

- Xin cảm ơn ông về cuộc trao đổi này!

Trần Dung (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm