Thời sự - Bình luận

Biểu tượng công lý: Vua Lý hay nữ thần công lý

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Công lý là thứ xưa nay con người hướng tới. Đông tây kim cổ xưa nay biểu tượng công lý chưa bao giờ mang một khuôn mặt cụ thể của một ai đó.

Cuốn Hình thư trong tay vua Lý Thái Tông là một vật cụ thể, rất thiếu giá trị biểu tượng dù đây được thuyết minh là biểu tượng công lý.
Cuốn Hình thư trong tay vua Lý Thái Tông là một vật cụ thể, rất thiếu giá trị biểu tượng dù đây được thuyết minh là biểu tượng công lý.


Những tranh luận xã hội đã ngay lập tức nổ ra sau khi 3 phác thảo tượng vua Lý Thái Tông được công khai để dự kiến sẽ trở thành biểu tượng công lý của ngành tòa án.

Trong danh sách 15 nhân vật được lựa chọn, quả thật, Lý Thái Tông là vị vua đã ban hành Hình thư, bộ luật thành văn đầu tiên của Việt Nam. Quả thật đó là vị quân vương đã đặt chuông ở Long Trì cho phép người dân kêu oan. Quả thật, đó là vị minh quân bao dung, nhân hậu.

Nhưng nhìn vào phác thảo tượng, cảm giác đầu tiên là nó thiếu đi tính biểu tượng.

Cái thiếu, vì những phác thảo đang đóng đinh công lý vào hình hài của một cá nhân cụ thể.

Cái thiếu, vì biểu tượng ấy đang thiếu đi những chi tiết biểu tượng đã đóng đinh trong nhận thức của người dân nói chung.

Cái thiếu, còn vì sự nhầm lẫn của vị vua này với vị vua khác khi phác thảo đang dùng đúng với motif tượng vua Lý ngoài Bờ Hồ. Trong khi những chi tiết làm nên biểu tượng thì lại thiếu cái tối thiểu là giá trị tượng trưng và giá trị thông điệp.

Hãy cũng nhìn lại bức tượng nữ thần công lý, với thanh gươm, chiếc cân, và vành khăn bịt mắt.

Thanh gươm, một biểu tượng của quyền uy tư pháp, sức mạnh cưỡng chế để công lý được thực thi. Chiếc cân, biểu tượng của lẽ phải, cho sự công bằng, chính trực. Và chiếc khăn, biểu tượng của sự vô tư, khách quan, không chịu áp lực, tác động từ bất cứ yếu tố ngoại cảnh nào.

Tượng nữ thần công lý, xuất hiện lần đầu từ thế kỷ thứ 14, từ rất lâu đã trở thành một giá trị, một biểu tượng nhân loại mà không cần có bất cứ thuyết minh gì thêm.

Vậy thì chúng ta có nhất thiết phải có thêm một biểu tượng đặc thù Việt Nam, một mình một kiểu?

Một vị vua, một cá nhân cụ thể; cuốn hình thư, một vật cụ thể từng xuất hiện trong lịch sử, không phải là một biểu tượng, không mang giá trị biểu tượng.

Và vì thế, bức tượng biểu tượng của công lý cũng không thể thành hình bằng việc đặt vào tay vua Lý một chiếc cân.

Huống chi, bàn đến chuyện xây dựng tượng lúc này, kể cả là biểu tượng công lý, có cái gì đó không đúng.

Huống chi, nếu biểu tượng công lý trở thành hình tượng của một ngành thì không có lý gì ngăn cản các ngành khác chọn biểu tượng cho riêng mình.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bieu-tuong-cong-ly-vua-ly-hay-nu-than-cong-ly-801515.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)

Có thể bạn quan tâm