Thời sự - Bình luận

Bình thường mới là phải mở ra

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
“Hài hòa hóa chính sách chống dịch với phát triển kinh tế là khó, đặc biệt là với tư duy tuyệt đối hóa của Việt Nam - tư duy chỉ được đúng không được sai”- TS Nguyễn Đức Kiên.

Hoàng Thị Huy - công nhân một Cty điện tử ở Bắc Ninh đang thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Phương - Hân
Hoàng Thị Huy - công nhân một Cty điện tử ở Bắc Ninh đang thuê trọ tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh (Hà Nội). Ảnh: Phương - Hân
Miếng đậu phụ, chút thịt bạc nhạc, bát canh suông. Đây là bữa chính của Hoàng Thị Huy - công nhân đang thuê trọ tại Thôn Bầu, Đông Anh, Hà Nội. Bữa ăn đó được PV Lao Động chứng kiến vào dịp 8.3 vừa rồi. Và lý do của chút thịt bạc nhạc không phải là vì 8.3 mà vì Huy, 25 tuổi, đang mang bầu.
Lý do của sự đạm bạc và tạm bợ chắc không khó đoán: Mỗi tháng có hàng chục nghìn doanh nghiệp giải thể, hàng nghìn doanh nghiệp khác phải cắt giảm lao động, giảm giờ làm, giảm lương.
Ở TPHCM, một ngày, chị Phạm Thị Thanh Lan rơi vào cảnh thất nghiệp khi công ty giải thể.
Hôm đó, mấy chị em đồng nghiệp ôm nhau khóc nức nở - TNO thuật lại chuyện của Lan - họ đã gắn bó với công việc mười mấy, hai mươi năm. Họ không thể tin là rơi vào cảnh thất nghiệp ở tuổi trung niên như thế này.
Nhưng trước câu hỏi tiền đâu liên tục vang lên trong đầu: Tiền đâu nuôi con? Tiền đâu đóng trọ? Tiền đâu… Lan, không cho phép mình ở không ngày nào, ngay hôm sau đã dậy sớm ra chợ bán rau. Không một lời kêu than.
Cuộc sống của những Huy, những Lan hôm qua vừa được Thủ tướng nhắc đến: “Chúng ta hiểu rằng một bộ phận người dân, một bộ phận doanh nghiệp rất khó khăn. Chúng ta không phải chỉ thấy thành tích mà còn thấy những tồn tại, bất cập trong xã hội, một bộ phận người dân đang thiếu việc làm...”.
Bữa trước, Tổ trưởng Tổ tư vấn của Thủ tướng, TS Nguyễn Đức Kiên vừa đưa ra một định nghĩa về “trạng thái bình thường mới”. Đơn giản là “phải là mở ra cho doanh nghiệp làm ăn, cho người dân mưu sinh vì khó khăn đã lên đến đỉnh”.
Ông Kiên cho rằng phương án phòng chống dịch năm 2020 là thành công nhưng kéo dài quá sẽ thành khuyết điểm… Và nếu không thay đổi sẽ lại bỏ lỡ năm 2021 này.
Đúng thế, chúng ta vừa chứng kiến đợt dịch bệnh thứ 3 với những cách chống dịch mỗi nơi một kiểu, thậm chí là cực đoan, là đóng cửa, là ngăn sông cấm chợ khiến hàng hoá không thể xuống cảng, khiến nông sản không thể tiêu thụ, khiến công nhân không thể trở lại nhà máy.
Những di hại của sự cực đoan này có rút cục là đời sống, là việc làm của những Huy, những Lan.
Việc hài hoà giữa chống dịch và phát triển kinh tế là khó. Nhưng chính vì thế, lại càng cần vai trò một nhạc trưởng, một trọng tài để khắc chế được những tư tưởng cách làm cực đoan, cục bộ địa phương.
Câu kết, cũng là dẫn lời TS Nguyễn Đức Kiên: Doanh nghiệp tự tin vượt qua được sóng gió này với điều kiện là nếu không hỗ trợ được thì đừng làm thêm khó khăn quá cho họ.
ĐÀO TUẤN (LĐO)
https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/binh-thuong-moi-la-phai-mo-ra-890585.ldo

Có thể bạn quan tâm