Bộ đội Biên phòng-"Lá chắn thép" trên dải biên cương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Liên tiếp lập những chiến công trong công tác phòng-chống tội phạm, nhiều năm qua các trinh sát Phòng phòng-chống tội phạm Ma túy (Bộ đội Biên phòng) tỉnh đã khẳng định vai trò “lá chắn thép” trên dải đất biên cương Tổ quốc.

 

Theo Trung tá Trần Thanh Bình-Trưởng phòng Phòng-chống Tội phạm Ma túy thì đối tượng nào khi bị bắt bước đầu cũng quanh co chối tội, thậm chí có đối tượng còn khôn ngoan đánh lạc hướng điều tra, do đó lính trinh sát không chỉ giỏi chuyên môn nghiệp vụ, lặn lội địa bàn, nắm chắc cơ sở, làm tốt công tác dân vận mà còn phải nắm bắt diễn biến tâm lý đối tượng, mối quan hệ gia đình, bạn bè… để nhẹ nhàng, mềm mỏng trong công tác đấu trí.

Tại địa bàn biên giới, đối tượng buôn bán, sử dụng ma túy thường có ba loại: Người dân từ phía Bắc di cư tự do vào làm ăn rồi mang theo ma túy sử dụng sau đó bán lại để có tiền tiêu xài, dạng thứ hai là đối tượng vào địa bàn cai nghiện sau đó tái nghiện và một dạng khác là đối tượng ăn chơi đua đòi theo bạn bè hút, chích.

Không khoan nhượng với tội phạm gây “cái chết trắng”

Để phá thành công Chuyên án 006C, các trinh sát phải mất gần 4 tháng từ lúc nhận được tin quần chúng, nằm vùng, bám nắm đối tượng, lên kế hoạch đến đánh án... Từ những thông tin đã được xác định cùng với phương án cụ thể, ngày 18-4-2013, lực lượng trinh sát của Phòng đã phối hợp với trinh sát Đồn Biên phòng Cửa khẩu Quốc tế Lệ Thanh tiến hành bắt giữ đối tượng Hoàng Hải Cầm (SN 1971, hộ khẩu thường trú tại làng Bi, xã Ia Dom, huyện Đức Cơ)-khi đối tượng này tàng trữ 2 gói heroin trong túi quần. Bước đầu đối tượng Cầm khai nhận đã mua số ma túy trên của đối tượng Lê Văn Tam (SN 1961, tạm trú tại xã Ia Dom). Ngay sau đó, lực lượng trinh sát đã tiến hành khám xét nơi ở của Tam và phát hiện 13 gói giấy và 1 cục gói trong túi ni lông đựng chất rắn màu trắng được cất giấu ở nhiều vị trí khác nhau trong nhà. Được biết, số tang vật trên là của Lê Văn Thanh-con trai Tam, và chiều cùng ngày, các trinh sát đã tiến hành bắt giữ Thanh…
 

 

Có thể nói, 4 tháng là khoảng thời gian không ngắn, song trong suốt khoảng thời gian ấy, các trinh sát phải thường xuyên bám trụ trong dân, kiên trì bám nắm đối tượng theo phương châm “một trinh sát kèm một đối tượng” hoặc “ba đến năm trinh sát kèm một đối tượng”. Nhờ đó, các trinh sát đã nắm bắt mọi quy luật đi lại cũng như sở trường, sở đoản của đối tượng… và có phương án đánh bắt thành công. Theo các trinh sát nhận định, đối tượng buôn bán, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma túy thường rất tinh vi, do đó ngoài việc phải biết dựa vào quần chúng nhân dân, có biện pháp nghiệp vụ để đánh giá thủ đoạn, công đoạn mua bán, cất giấu và thời điểm nào nên đánh bắt, các trinh sát còn phải biết “biến hóa” thành nhiều con người khác nhau để đánh lừa đối tượng.

Hơn thế, với mỗi chuyên án, các trinh sát đều có phương án, kế hoạch bố trí lực lượng rất chặt chẽ, số lượng ma túy càng ít thì phương án đánh bắt phải càng cụ thể để đối tượng không thể hủy tang chứng, vật chứng. Điều đặc biệt, trinh sát biên phòng không chỉ giỏi trong quá trình đánh án mà còn phải mưu trí, mềm mỏng trong việc cảm hóa, giáo dục đối tượng. Tuy nhiên để làm được điều đó, đòi hỏi mỗi trinh sát phải có kinh nghiệm thực tế, nắm rõ địa bàn, nguyên nhân, mục đích cũng như tâm tư nguyện vọng của từng đối tượng…

“Khắc tinh” của lâm tặc

Không phức tạp như đánh án ma túy, song trấn áp những loại tội phạm khác cũng khó khăn, nguy hiểm không kém. Riêng đối tượng khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, chúng thường lợi dụng đêm tối, địa hình khó khăn, nơi không có sóng điện thoại, mưa lũ… để tránh giáp mặt với lực lượng trinh sát. Do đó với dạng đối tượng này, trinh sát phải nắm chắc quy luật hoạt động để chủ động khống chế, cơ động lực lượng chốt chặn tại các ngả đường-hướng đối tượng có thể thoát chạy. Vì không giống tội phạm ma túy, tội phạm khai thác, vận chuyển lâm sản trái phép, hàng hóa chúng mang theo thường cồng kềnh, phương tiện có tiếng nổ. Mặt khác, trinh sát phải tùy vào tình hình cụ thể để có thể vào vai người đi rừng hoặc người đi mua nông sản, mua đất, xin đi làm thuê, chặt le, bắt chim… nhằm xác minh tình hình, tiếp cận đối tượng khai thác... Thông thường, những trinh sát đánh án thường không ở cố định một địa bàn mà phải cơ động nhiều địa bàn, công việc khác nhau để tránh sự “quen mặt” và đánh lừa đối tượng.

Nhắc lại vụ việc diễn ra ngày 25-10-2012, Thượng úy Mạc Thế Huy, cho biết: “Lúc đó, tại khu vực đội 15 thuộc địa bàn làng Mook Trê (xã Ia Dom), 3 đối tượng dùng xe độ chế vận chuyển gỗ. Khi bị lực lượng trinh sát phát hiện, bắt giữ, một trong ba đối tượng gọi điện thoại cho chủ gỗ để chi viện thêm lực lượng, vũ khí… Một lúc sau, thanh niên, phụ nữ trong làng kéo đến xô đẩy lực lượng nhằm hủy tang vật và phải mất thời gian khá lâu (từ 15 giờ 30 phút đến 1 giờ ngày 26-10-2012), chúng tôi mới có thể giải tán đám đông để đưa gỗ về bàn giao cho lực lượng Kiểm lâm”.
 

Ảnh: Phương Dung

Xô xát xem ra còn khá nhẹ, có những vụ việc đối tượng năn nỉ, xin xỏ không được, chúng liền đe dọa, thậm chí cho người lao vào đánh ngay lực lượng trinh sát rồi lái xe bỏ chạy. Điển hình là vụ việc diễn ra ngày 5-11-2012, nhận được tin từ quần chúng nhân dân, các trinh sát tiến hành tuần tra tại khu vực đồi công sự thuộc địa bàn xã Ia Dom thì phát hiện 4 đối tượng cùng một máy cày đang kéo gỗ. Khi bị lực lượng trinh sát yêu cầu dừng xe kiểm tra thì một trong 4 đối tượng nhanh tay bấm điện thoại gọi điện kêu người chi viện. Và đám đông vừa kéo đến là lao ngay vào đánh 3 trinh sát, còn một vài tên thì bỏ gỗ lại lái xe máy cày bỏ chạy… Để phá thành công các vụ vận chuyển, khai thác lâm sản trái phép, không ít lần các trinh sát còn nhận được những tin nhắn đe dọa kiểu sẽ giết cả gia đình…

…Dẫu còn phải đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy, song các trinh sát biên phòng vẫn vững vàng trên dải đất biên cương và thật sự là “khắc tinh” của lâm tặc trên tuyến biên giới.

Phương Dung

Có thể bạn quan tâm