Thời sự - Bình luận

Bỏ gì, giữ gì từ Tết truyền thống?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đầu năm mới Quý Mão, theo thông lệ, bà con anh chị em bạn bè đến nhà nhau chúc Tết. Từ bao năm nay lệ này đã phổ biến. Nhưng Tết năm nay, ở thành phố đã khác.

Nếu TP Hồ Chí Minh thì Tết là dịp để về quê ăn Tết, hay đi du lịch ăn Tết trên đường tour, ở Hà Nội còn thêm đi lễ chùa, thì ở TP. Quảng Ngãi, người đi du lịch ăn Tết trên đường chưa nhiều, nhưng đa số người ở lại cũng ít tới nhà nhau chúc Tết như thông lệ từ bao nhiêu năm trước. Tết này giản dị hơn nhiều. Cơ hội để tụ tập uống bia rượu chắc cũng giảm bớt.

Tôi còn nhớ, cách đây vài chục năm, chuyện chúc Tết gần như xuyên ngày xuyên đêm có kèm bia rượu là chuyện bình thường. Hồi ấy tôi cũng còn sồn sồn nhưng khỏe, nên chuyện đi chúc Tết nhà bạn bè anh em cũng vui mà dễ thực hiện. Bây giờ mình già rồi, chuyện ấy trở nên khó khăn hơn. Nhưng mình già, chứ xã hội không già, vậy mà chuyện chúc Tết kèm bia rượu xuyên ngày xuyên đêm dường như đã giảm. Bây giờ có nhiều thú vui mới hơn, nhiều mối quan tâm mới hơn, nhiều cuộc gặp gỡ cà phê cũng mới hơn, nếu so với trước kia. Nên chuyện đến nhà nhau chúc Tết cũng giảm. Với lại, bây giờ tràn ngập điện thoại thông minh, ngồi ở đâu cũng gọi cho nhau chúc Tết được, nhất là gọi Zalo thì khỏi mất tiền, nên những cuộc "xuống đường chúc Tết” cũng có cơ hội giảm.

Tết truyền thống là dịp con cháu tụ tập đông đủ chúc tết mừng tuổi ông bà cha mẹ

Tết truyền thống là dịp con cháu tụ tập đông đủ chúc tết mừng tuổi ông bà cha mẹ

Tôi vừa đọc một thư chúc Tết qua email, một vị giáo sư chúc Tết và đề nghị Việt Nam nên chuyển sang ăn Tết theo dương lịch. Tôi thấy đề nghị này coi bộ khó thực hiện, vì dân tộc mình đã có truyền thống hàng nghìn năm nay ăn Tết theo âm lịch, sao lại phải chuyển? Có người nói, ăn Tết theo âm lịch thì dễ “lãng phí thời gian”, nhưng tôi nghĩ khác. Dân tộc ta theo đạo thờ cúng ông bà, chiều 30 Tết cúng cơm rước ông bà về nhà ăn Tết cùng con cháu, tới chiều mùng 3 Tết lại cúng tiễn ông bà về miền cực lạc, đó thuộc về văn hóa tâm linh của người Việt, bỏ đi làm sao được!

Không khí gia đình trong ba ngày Tết theo âm lịch có hương vị ấm cúng rất riêng mà Tết dương lịch không thể nào có được. Văn hóa dân tộc nằm sâu trong ba ngày Tết truyền thống ấy, bỏ đi thì còn gì là người Việt nữa.

Nhưng văn hóa cũng luôn tiếp biến, nó không phải là hình thái “đông cứng” qua nhiều thời đại. Tết truyền thống của chúng ta là văn hóa dân tộc, nó cũng có tiếp biến qua thời gian, nhưng vẫn giữ lại những căn cốt. Đó là tinh thần trọng nhân nghĩa, tôn vinh lòng biết ơn với tổ tiên ông bà, qua những thủ tục cúng bái giản dị trong ngày Tết để nhắc nhở con cháu đừng quên những giá trị đạo đức đã trở thành thiết thân, cốt lõi của nhân cách người Việt. Đạo thờ cúng ông bà chính là giữ cho chúng ta những điều đẹp đẽ ấy, chứ không phải là “hủ tục” như có thời người ta đã vội vàng nhận định. Còn chuyện thăm viếng gặp gỡ nhau ba ngày Tết truyền thống cũng là một nét đẹp của văn hóa Việt, nhưng hiện nay đã trở nên giản dị hơn, nhẹ nhàng hơn, thực tế hơn, thì đó chính là sự tiếp biến của văn hóa, chúng ta chấp nhận được, hài lòng được.

Bởi tốc độ của cuộc sống bây giờ nhanh hơn, công việc cũng nhiều hơn. Trên các công trường khắp đất nước, hàng vạn kỹ sư công nhân đã phải làm việc xuyên Tết, xuyên đêm để hoàn thành tiến độ. Những thủ tục trong đời sống tâm linh cần có sự linh hoạt hơn, và điều ấy chắc tổ tiên ông bà mình cũng bao dung. Tất cả là vì cuộc sống con người, vì những giá trị tinh thần Việt Nam cốt lõi mà chúng ta luôn gìn giữ.

Có thể bạn quan tâm