Thời sự - Bình luận

Bỏ quên công nghệ thông tin?

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Nhìn cảnh dòng người và phương tiện ùn ứ, nối nhau chờ xét giấy ra vào "vùng đỏ" tại nhiều chốt kiểm soát ở TP Hà Nội những ngày đầu tháng 9 vừa qua, nhiều người liên tưởng cảnh tượng từng diễn ra trước đây ở các cửa ngõ ra vào TP HCM những ngày đầu tháng 7, khi thực hiện các biện pháp kiểm soát để phòng chống dịch Covid-19.

Người dân và doanh nghiệp ở TP Hà Nội liên tục than phiền về các thủ tục rối rắm, chạy đôn chạy đáo lên trụ sở phường, lên cơ quan chủ quản, qua các sở - ngành nhưng vẫn gặp ùn tắc trong giao thương hàng hóa, đi lại khó khăn, ảnh hưởng đến công việc. Cũng không thể không nói đến nguy cơ từ những sự tập trung đông người này đem lại, trong khi cả năm, cả tháng liên tục nhắc nhở về các biện pháp 5K...

Là địa phương thực hiện việc phân vùng chống dịch sau các địa phương khác, lẽ ra TP Hà Nội phải học được kinh nghiệm để không lặp lại. Sự ùn tắc trên có phải do các cơ quan chức năng của TP Hà Nội không chuẩn bị kịp phương án, phương tiện, nhân sự hay do sự thụ động và không quyết liệt, làm việc thiếu khoa học? Là thành phố lớn thứ hai của cả nước, tập trung nhiều cơ quan nghiên cứu khoa học, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT), mà Hà Nội lại chậm chân trong hoạt động rất cần đến sự hỗ trợ CNTT quả là điều đáng tiếc.

TP Đà Nẵng, từ ngày 5-9, áp dụng giấy đi đường trực tuyến, tích hợp hết dữ liệu về các cơ quan, doanh nghiệp, số lượng được phép hoạt động trong thời gian thành phố cách ly xã hội và cập nhật "vùng đỏ", "vùng vàng", "vùng xanh". Chỉ cần ngồi nhà với vài thao tác trên máy tính, điện thoại thông minh trong thời gian ngắn, người dân nhận được giấy đi đường. Cũng từ phòng chống dịch Covid-19, TP Đà Nẵng đã ứng dụng CNTT trong nhiều hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân và doanh nghiệp, hình thành thói quen sử dụng các dịch vụ công trực tuyến.

Tại TP HCM, để nâng hiệu quả công việc và hạn chế tình trạng tiếp xúc gần của người thực thi công vụ khi kiểm tra người đi đường ở các chốt kiểm soát, từ ngày 7-9, Công an TP HCM đã lắp đặt thêm 100 camera tự động quét mã QR ở những chốt trên trục đường chính, lưu lượng xe đông đúc. Những việc này thể hiện sự tận tâm và cách làm việc hiệu quả của ngành.

Trong xu thế phải thích nghi hoàn cảnh đại dịch hoành hành toàn cầu, nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp đã nhanh chóng xoay trở, ứng dụng CNTT là một trong những hướng đi phù hợp xu thế thời đại. Làm việc tại nhà, làm các thủ tục hồ sơ qua mạng, bên cạnh sự hỗ trợ của công nghệ vào các hoạt động trực tiếp... đã trở nên phổ biến hơn. Không chỉ là tầm nhìn của nhân loại về các đô thị thông minh, chính quyền điện tử mà những phương tiện hỗ trợ cuộc sống ngày càng được thể hiện rõ qua sự hữu dụng của các phần mềm công nghệ hỗ trợ như các phần mềm hội họp, học tập trực tuyến hiện nay.

Không ai có thể đứng ngoài, đứng bên lề cuộc sống trong thời đại công nghệ hiện nay mà phải xông vào, vận dụng, thích nghi để tồn tại, phát triển trong hoàn cảnh mới. Con người luôn năng động vượt lên hoàn cảnh, làm chủ khoa học, đưa công nghệ phục vụ cuộc sống. Đó cũng là trách nhiệm của các cơ quan chức năng trong quản lý xã hội, phục vụ nhân dân.

Theo THÔNG ĐẠT (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm