(GLO)- Tết cổ truyền là lúc sum vầy, đoàn tụ, cũng là dịp để người dân có cơ hội thưởng thức phong vị, phong tục độc đáo trong đời sống văn hóa của các dân tộc, đặc biệt là ở xã Tơ Tung (huyện Kbang)-nơi tụ cư của 13 dân tộc anh em.
Rộn ràng đón Tết
Tết đã đến rất gần trong ngôi nhà mái ngói có giàn hoa giấy hồng rực của chị Lương Thị Lượng-một người Tày gốc Cao Bằng đã sinh sống ở làng Cao Lạng (xã Tơ Tung) mấy chục năm nay. Trong nhà, 2 bó lá dong lớn được gia chủ buộc cẩn thận, đặt trong thùng nước. Hai can rượu lớn chị Lượng mới nấu xong đặt riêng một góc nhà. Ngoài sân, những chiếc chăn con công sặc sỡ được giặt giũ thơm tho, phơi cho được nắng để chuẩn bị đón Tết.
Lá dong được chị Lương Thị Lượng chuẩn bị khá sớm để gói bánh chưng. Ảnh: H.N |
Chị Lượng cho biết: “Bố mẹ đưa tôi vào Tơ Tung từ năm 1989, lúc mới 3-4 tuổi. Gần 30 năm sinh sống trên vùng đất này, năm nào gia đình chúng tôi cũng chuẩn bị đón Tết cổ truyền theo phong tục của người Tày phía Bắc. Trước Tết dọn dẹp nhà cửa sạch sẽ, đến ngày 28 tháng Chạp sẽ gói bánh chưng, ngày 29 ra bánh để bày bàn thờ tổ tiên thật đẹp, thật trang trọng cùng các loại hoa quả, bánh mứt”. Chỉ vào bó lá dong chuẩn bị khá sớm trong nhà, chị Lượng cho biết đây là lá của người em chồng đi hái trong rừng ở Kbang về để gói bánh. Việc chuẩn bị mọi thứ cho ngày Tết khiến cả gia đình cảm thấy phấn chấn, rộn ràng hơn, nhất là những đứa trẻ con trong nhà.
Chồng chị Lượng là người dân tộc Nùng ở Lạng Sơn. Hai người gặp gỡ nhau trên vùng đất mới và bén duyên trong một đám cưới người quen. Sự gặp gỡ giữa 2 con người của 2 dân tộc dưới một mái nhà khiến cho Tết cổ truyền càng đậm đà phong vị. “Người dân tộc phía Bắc ăn Tết rất “kỹ”. Chúng tôi lớn lên trên vùng đất này nên một số phong tục truyền thống của ông bà có thể đã phai nhạt, nhưng Tết cổ truyền vẫn là dịp trọng đại để thể hiện sự hiếu thuận với cha mẹ, tổ tiên”-chị Lượng chia sẻ.
Tiếng đàn tính trong đêm Xuân
Ông Nông Văn Sơn (dân tộc Tày, ở làng Nam Cao) cho biết: Người Tày, Nùng trên vùng đất này vẫn duy trì một tập tục văn hóa lâu đời là hát then-đàn tính trong đêm Giao thừa và trong suốt những ngày Tết. Sau Giao thừa, khi các gia đình đã xong việc cúng kính là lúc tiếng hát, tiếng đàn vang lên. Đó là lúc mùa xuân trong lòng người lên ngôi, khi sợi dây gắn kết họ với truyền thống, với nguồn cội mạnh mẽ hơn bao giờ hết thông qua loại hình nghệ thuật lâu đời này.
Ông Sơn chia sẻ: “Giao thừa xong, thanh niên thường rủ nhau thành nhóm đi chúc Tết từng nhà. Tới mỗi nhà sẽ uống một ly rượu xuân để chúc nhau năm mới thật nhiều sức khỏe, làm ăn phát tài phát lộc, gặp nhiều may mắn. Trong khi đó, người già chúng tôi nếu đón Giao thừa xong mà không nghe được giai điệu quen thuộc của tiếng đàn tính vang lên cùng giọng hát then của ai đó là thấy thiếu thiếu, thấy mùa xuân chưa trọn vẹn”. Ông Sơn cho biết thêm, thế hệ trẻ người Tày, Nùng sinh ra ở cao nguyên vẫn cho đây là hình thức sinh hoạt “cổ lỗ sĩ” của những ông bà già và họ không còn mặn mà lắm. Nhưng với những người như ông Sơn, tiếng đàn tính mượt mà, rạo rực trong đêm xuân gợi nhớ rất nhiều về quê hương Cao Bằng, Lạng Sơn, Bắc Kạn…, nơi từ đó họ được sinh ra. “Cùng với hát then, đàn tính, chúng tôi còn thường ngâm thơ bằng tiếng Tày, Nùng trong những ngày xuân”-ông Sơn nói thêm. Tuy chỉ còn những người già duy trì loại hình nghệ thuật truyền thống này trong những ngày Tết cổ truyền nhưng nó cũng làm nên phong vị riêng có trong những ngày xuân trên vùng đất này.
Không chỉ duy trì nếp sinh hoạt văn hóa đặc trưng của người Tày, Nùng vào mỗi dịp Tết cổ truyền, ông Sơn còn tham gia nhiều trò chơi truyền thống của các dân tộc vùng cao phía Bắc và là một tay ném còn cự phách dù đã ở độ tuổi 76. Ông Sơn hào hứng kể: “Năm nào tôi cũng tham gia trò chơi này và có giải. Ném còn vẫn được duy trì hàng năm khiến cho không khí những ngày xuân thêm rộn ràng. Đây còn là một trò vui mang nhiều ý nghĩa: cầu mong âm-dương giao hòa, mùa màng tươi tốt. Ném còn thường thu hút thanh niên nam nữ, mình già rồi nhưng vẫn tham gia để các thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số sinh sống ở cao nguyên này không quên đi truyền thống văn hóa”.
Chị Nông Thị Hảo-cán bộ văn hóa xã Tơ Tung cho biết, xã có 16 thôn, làng với 13 dân tộc anh em sinh sống, đông nhất là người Bahnar, Tày, Nùng. Các làng Bahnar như: làng Leng, Tung, Kuk, Lơng Khơng… cùng với những làng người Tày, Nùng sống giao hòa trên vùng đất Tơ Tung đã tạo nên sự giao thoa văn hóa độc đáo. Trong những ngày Tết cổ truyền, người Bahnar cũng có thể tham gia trò chơi ném còn, ngược lại đồng bào các dân tộc phía Bắc cũng có thể tham gia trò chơi đi cà kheo của người bản địa ở đây.
Mùa xuân đã khoác lên những ngôi làng có đông người Tày, Nùng, Mường, Thái… sinh sống ở vùng Đông Trường Sơn màu áo mới. Đi giữa vùng sơn cước này mà nghe quanh mình hương xuân của một vùng cao nào đó phía Bắc. Những gốc đào Nhật Tân hồng thắm. Đây đó, những cội mai già cũng đơm hoa vàng rực. Hoa mai, hoa đào là 2 loài hoa mùa xuân của những vùng đất khác nhau trên dải đất hình chữ S giờ đang chuẩn bị khoe sắc trên quê hương Anh hùng Núp, mang đến những cảm xúc xôn xao, đón đợi trong lòng người.
Hoàng Ngọc