Thời sự - Bình luận

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nên để tâm tới một "tiền lệ Hà Tĩnh"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Không cần những kỳ thi rình rang tốn kém, Hà Tĩnh vừa xác nhận 70 học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh chỉ bằng việc công nhận một thứ được cả thế giới thừa nhận.

 

Hình ảnh công chức, viên chức đi thi chứng chỉ như... đi chợ. Ảnh cắt từ clip điều tra của Lao Động năm 2019
Hình ảnh công chức, viên chức đi thi chứng chỉ như... đi chợ. Ảnh cắt từ clip điều tra của Lao Động năm 2019



Sở Giáo dục Đào tạo Hà Tĩnh vừa quyết định đặc cách công nhận 70 học sinh là học sinh giỏi cấp tỉnh môn tiếng Anh mà không phải tổ chức bất cứ kỳ thi nào hết.

Lý do: 70 học sinh này đã đạt IETS từ 6.5 điểm trở lên.

Trên truyền thông, một quan chức của Sở Giáo dục Đào tạo Hà Tĩnh cho biết quyết định này xuất phát từ Nghị quyết của HĐND tỉnh quy định, điều kiện được đặc cách danh hiệu học sinh giỏi môn tiếng Anh cấp tỉnh với 5.5 điểm IELTS đối với lớp 9; 6.5 điểm trở lên đối với lớp 10 đến lớp 12.

Và, việc đặc cách học sinh giỏi môn tiếng Anh “nhận được sự đồng tình cao của dư luận tỉnh nhà”.

Nói “sự đồng tình cao của dư luận tỉnh nhà” có lẽ chỉ là cách nói khiêm tốn. Bởi việc công nhận này từ hôm qua đã nhận được sự tán đồng rất lớn từ dư luận.

Chúng ta có một thực tế là những chứng chỉ ngoại ngữ A,B,C dẫu là mang tính quốc gia... nhưng chỉ được công nhận ở mỗi Việt Nam. Chúng, như chỉ để hợp thức bằng cấp khi những người có bằng có khi “một chữ tiếng Anh bẻ đôi không biết”.

Chúng ta đang có những vụ mà ngay cả bằng cử nhân Anh văn cũng có thể dễ dàng mua được bằng tiền, không cần học, không cần điều kiện và thi cử chỉ là việc.... chép "phao".

Và chúng ta còn có cả những đề án 9.000 tỉ tiền thuế dân rồi thất bại thảm hại.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng từng cho rằng: Thế giới ngày nay mỗi người cần biết 3 ngôn ngữ. Và 1 trong 3, chắc chắn rồi, là tiếng Anh, để có thể “hội nhập quốc tế”.

Hồi giữa năm, hướng dẫn tổ chức kỳ thi tốt nghiệp THPT 2020 của Bộ GDĐT đã có những điểm tiến bộ rất đáng ghi nhận. Theo đó, học sinh có các chứng chỉ ngoại ngữ hợp lệ, có giá trị sử dụng đến trước ngày thi- sẽ được miễn thi bài ngoại ngữ trong xét công nhận tốt nghiệp.

Nhưng chứng chỉ A,B,C hay thậm chí bằng cử nhân Anh văn so với điểm IELTS khác nhau một trời một vực ở cả niềm tin lẫn sự công nhận quốc tế.

“Sự việc Hà Tĩnh” quá xứng đáng để coi là một “tiền lệ Hà Tĩnh”.

Tiền lệ ấy, một cách thầm lặng “đặt vấn đề” khai tử cho những chứng chỉ ngoại ngữ quốc gia hữu danh vô thực.

Tiền lệ ấy, như một cách tuyệt vời sử dụng các chuẩn quốc tế, được cả thế giới thừa nhận, thay thế cho những kỳ thi vô bổ, hình thức, tốn kém. Cho cả những đề án ngoại ngữ chỉ giỏi đốt thuế dân.

Tiền lệ ấy, có thể chính thức đặt dấu chấm hết cho những tấm bằng giả, cho sự gian lận như vừa xảy ra ở Đại học Đông Đô.

Và tiền lệ ấy xứng đáng để trở thành một quy định để áp dụng cho cả nước.

 

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-truong-phung-xuan-nha-nen-de-tam-toi-mot-tien-le-ha-tinh-862763.ldo

Theo Anh Đào (LĐO)
 

Có thể bạn quan tâm