Thời sự - Bình luận

Bỏ tư duy máy móc để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Đầu tháng 4.2021, Công ty Cổ phần IPP Air Cargo có tờ trình gửi Bộ Kế hoạch Đầu tư xin phê duyệt chủ trương đầu tư Dự án thành lập Hãng hàng không IPP Air Cargo hoạt động chuyên biệt trong lĩnh vực vận tải hàng hóa, không vận chuyển hành khách.

 

Do vẫn chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt, các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay chở khách. Ảnh: H.K
Do vẫn chưa có hãng bay vận tải chuyên biệt, các hãng hàng không Việt Nam vẫn chủ yếu vận chuyển hàng hóa trong bụng máy bay chở khách. Ảnh: H.K


Đương nhiên liên quan đến lĩnh vực hàng không thì phải trình Bộ Giao thông Vận tải, và không may cho IPP Air Cargo, ách tắc lại nằm ngay ở ngành giao thông.

Tháng 6.2021, Cục Hàng không Việt Nam, sau khi nhận được công văn của doanh nghiệp đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải về việc hướng dẫn xây dựng và thẩm định hồ sơ đề nghị cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho IPP Air Cargo.

Nhưng một rào cản phát sinh ở đây, đó là tháng 5.2020 Bộ Giao thông Vận tải có văn bản 4620 báo cáo Thủ tướng Chính phủ đề xuất việc “thành lập hãng hàng không mới sẽ được xem xét sau thời điểm thị trường hàng không phục hồi (dự kiến năm 2022)”.

Có nghĩa là năm 2021 thì không xem xét, mà IPP Air Cargo xin thành lập trong năm nay. Cũng có nghĩa là, cứ theo văn bản của Bộ Giao thông Vận tải, thì IPP Air Cargo nằm đó chờ sang năm mới được xem xét.

Đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trong văn bản 4620 rất đúng, nhưng đúng với hàng không vận tải hành khách, vì trong lúc đại dịch, ngành hàng không đang gặp khó khăn, các hãng bay không có khách để chở, tàu bay nằm xếp lớp ở cảng.

Tuy nhiên, hoạt động vận chuyển hành khách gặp khó khăn thì vận chuyển hàng hóa đường hàng không lại sôi động hơn. Còn xét về thực tế và tầm nhìn lâu dài, sự có mặt của một hãng hàng không vận tải hàng hóa là nhu cầu của thị trường. Việt Nam chưa có hãng hàng không cargo, miếng bánh thị trường này dành hết cho nước ngoài, thì nay phải có doanh nghiệp tham gia để cạnh tranh giành giật lại thị phần.

Chiến lược tham gia thị trường vận tải hàng hóa đường hàng không của doanh nghiệp phù hợp với tinh thần chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Công văn 7709 ngày 15.9.2020, đó là “phải có một hãng hàng không (Cargo Airlines) với đội bay chuyên chở hàng hóa riêng biệt phục vụ cho sản phẩm nông nghiệp Việt Nam, cho các tuyến đường riêng biệt”.

Làm kinh tế thì phải linh hoạt, nhạy bén. Doanh nghiệp nhạy bén với thị trường nên xin thành lập hãng hàng không cargo.

Và làm quản lý thì càng phải linh động, dựa trên thực tế chứ không phải trên văn bản để xem xét, giải quyết yêu cầu của doanh nghiệp. Đồng ý là Bộ Giao thông Vận tải đã có văn bản 4620, nhưng nội dung đó không phù hợp khi áp dụng với doanh nghiệp xin thành lập hãng hàng không vận tải hàng hóa.

Hãy bỏ tư duy máy móc để hỗ trợ cho doanh nghiệp hoạt động.

https://laodong.vn/su-kien-binh-luan/bo-tu-duy-may-moc-de-ho-tro-cho-doanh-nghiep-hoat-dong-924392.ldo
 

Theo Lê Thanh Phong (LĐO)

Có thể bạn quan tâm