Bốn phương châm phòng- chống cháy vườn cao su

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Là một trong 5 đơn vị trên địa bàn tỉnh Gia Lai mới đây được chọn làm điểm tổ chức tổng kết 10 năm thi hành Luật Phòng cháy Chữa cháy, giai đoạn 2001-2011 và kỷ niệm 50 năm Ngày ban hành Pháp lệnh Phòng cháy Chữa cháy (4-10-1961- 4-10-2011), trong những năm qua, Công ty đã quản lý tốt vườn cây và tài sản chưa để xảy ra vụ cháy nào, đảm bảo an toàn tính mạng công nhân. Bên cạnh đó, Công ty còn tham gia cứu chữa nhiều vụ cháy trong khu dân cư nơi Công ty đứng chân.
Ảnh: K.N.B
Ông Phan Sỹ Bình-Tổng Giám đốc Công ty, cho biết: Để làm được điều đó, Công ty đã thực hiện tốt 4 phương châm: “Chỉ huy tại chỗ; lực lượng tại chỗ; vật tư, phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”. Đồng thời, trên 3.000 cán bộ, nhân viên, công nhân luôn coi công tác phòng- chống cháy vườn cao su, bảo vệ tài sản của Công ty như chính tài sản của mình. Hơn nữa với đặc thù là đơn vị sản xuất nông nghiệp và công nghiệp, nhiều loại vật liệu dễ cháy như mủ cao su, nhà xưởng, vườn cao su rộng hàng ngàn ha có nguy cơ cháy cao vào mùa khô, do vậy, vào mỗi đầu vụ sản xuất, lãnh đạo Công ty ban hành nhiều văn bản hướng dẫn triển khai công tác bảo hộ lao động. Trong đó, việc trang bị phương tiện bảo vệ cá nhân, an toàn vệ sinh lao động và phòng- chống cháy nổ, sản xuất theo tiêu chuẩn hệ thống quản lý chất lượng ISO 9001-2008… là những điều kiện cần và đủ để cán bộ, công nhân viên quản lý và phòng-chống cháy tốt.
Mỗi vườn cây vào cuối mùa mưa các tổ, đội, nông trường đều hướng dẫn công nhân tổ chức dọn lá khô trong đường băng rộng 3 mét; cách 10 cây cao su lại rạch một đường ngăn lửa rộng 6 mét. Nhờ vậy nếu vào ban đêm xảy ra cháy bảo vệ vườn cây chưa phát hiện kịp, đám cháy cũng chỉ gây thiệt hại 10 cây cao su mà không cháy lan sang hàng khác và cây khác. Còn vành đai vườn cây được dọn sạch cỏ rác và tàn dư thực vật theo phương thức: Đầu hướng gió cách xa 12 mét, cuối hướng gió cách xa 8 mét nên vườn cao su của Công ty được an toàn trong khi các vụ cháy rừng, cháy nương rẫy ở vùng giáp ranh vẫn xảy ra thường xuyên.
Việc kiểm tra thường xuyên và định kỳ để phát hiện các sơ hở thiếu sót về phòng cháy của Công ty cũng là biện pháp để phòng- chống cháy. Đối với sản phẩm mủ cao su sản xuất tại xí nghiệp chế biến được sắp xếp gọn gàng ngăn nắp, bố trí xe chở thành phẩm đi nhập kho theo đúng quy trình để giảm thiểu nguy cơ cháy sản phẩm.
Về phương tiện phòng-chống cháy, hàng năm Công ty đầu tư hàng tỷ đồng để nâng cấp, cải tạo các dây chuyền, phân xưởng sản xuất nhằm bảo đảm đầy đủ các điều kiện về an toàn phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, mới đây Công ty đầu tư thêm 2,2 tỷ đồng để trang bị hệ thống chống cháy vách tường hiện đại cho xí nghiệp chế biến mủ cao su. Ngoài ra, trang bị bình chữa cháy, dụng cụ như: Thang, câu liêm, thùng đựng nước, dây thừng, cát dập lửa, xây bể chìm chứa nước chữa cháy… để mỗi công nhân luôn ý thức trách nhiệm ở trong tư thế sản xuất phải an toàn và an toàn thì mới sản xuất.
Tiếp tục thực hiện tốt hơn nữa công tác phòng-chống cháy, Công ty triển khai xây dựng nội quy, quy định, biển cấm, biển báo, chỉ dẫn về phòng-chống cháy ở mỗi vườn cây. Mỗi nông trường, xí nghiệp thành lập đội phòng cháy và chữa cháy để chủ động nếu cháy xảy ra, trước khi lực lượng chữa cháy chuyên nghiệp có mặt. Ngoài ra, Công ty luôn coi việc đào tạo nâng cao nhận thức, kiến thức về an toàn vệ sinh lao động, kiến thức về phòng cháy chữa cháy là nhiệm vụ cần thiết, quan trọng trong suốt quá trình làm việc của mỗi người.
Đinh Yến

Có thể bạn quan tâm