Nhiều người mang tâm trạng sung sướng như anh bình luận viên truyền hình khi gào lên "Vào..." rõ to khi đội Úc ghi bàn thứ hai.
Một pha bóng trong trận U23 Úc (áo vàng) thắng Thái Lan 2-1 - Ảnh: AFC |
"Bay lên trời là em bay ra ngoài" - nghe tiếng loa oang oang giọng một người phụ nữ nhại bài hát Em bay trong đêm pháo hoa, ở trận Việt Nam - Jordan khi đối thủ tấn công hoặc sút phạt, không ít người khó chịu, nhưng cũng có vô vàn người khoái chí.
Với mình, khi ấy tôi nhớ đến một chuyện cười ra nước mắt mà người Việt tự trào một thói hư tật xấu ở không ít người: Có một anh nhà rất nghèo. Anh ngồi than khóc cho số phận hẩm hiu của mình.
Thế là Bụt hiện ra. Bụt cho anh ta một điều ước, kèm theo điều kiện "con được một thì người hàng xóm được hai". Anh nhà nghèo suy nghĩ lung lắm.
Thế mình ước giàu thì không lẽ thằng hàng xóm nó giàu gấp đôi. Và cuối cùng anh quyết định điều ước của mình là: "Cho con đui một con mắt". Thật sướng làm sao, thế là thằng hàng xóm mù luôn!
Nhiều nhà nghiên cứu giáo dục lên tiếng về một tật xấu của rất nhiều phụ huynh Việt, đó là không quan tâm đến chuyện con mình trồi sụt thế nào, mà chỉ chăm chăm hỏi kết quả học tập của các bạn cùng lớp.
Vì vậy, dù con mình tiến bộ, nhưng vẫn dưới các bạn thì buồn; và ngược lại, con mình dù học kém đi nhưng vẫn hơn các bạn là sướng.
Trở lại sân bóng đá, hôm U23 Thái Lan đá với Úc, không ít người Việt khó chịu khi Thái Lan chơi rất hay ở hiệp 1 và dẫn 1-0. Sang hiệp 2, Thái xuống sức thua ngược 1-2, nhiều người mang tâm trạng sung sướng như anh bình luận viên truyền hình khi gào lên "Vào..." rõ to khi đội Úc ghi bàn thứ hai.
Rồi không lâu sau đó, không ít nhà báo giật tít: Thái Lan thất bại trước đội bóng từng là bại tướng của U23 Việt Nam!?
Những kiểu suy nghĩ hẹp hòi đó, lo thay, hình như nó không phải là thiểu số. Chính vì vậy mới có những chiến lược gọi là "đi tắt, đón đầu", chứ không phải là nuôi chí lớn để phát triển mạnh mẽ, tranh đua với thiên hạ trên đại lộ.
Năm mới, mong làm sao tất cả đều cùng nghĩ lớn, làm lớn, đừng để hai câu thơ của cụ Tản Đà ám vào mình: Dân hai lăm triệu (giờ là gần trăm rồi) ai người lớn; nước bốn nghìn năm vẫn trẻ con...
Theo Huy Thọ (TTO)