Thời sự - Bình luận

Nỗi lòng người làm công ăn lương

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Đề xuất giảm thuế giá trị gia tăng thêm 6 tháng; một số luật liên quan đến bất động sản cũng đang được trình xin có hiệu lực sớm..., những thông tin này khiến người làm công ăn lương, đối tượng đóng góp khoảng 70% tổng số thu thuế thu nhập cá nhân cảm thấy "ganh tị".

"Ganh tị" là bởi mức giảm trừ gia cảnh (GTGC) cho mình và cho người phụ thuộc quá lạc hậu nhưng đề xuất, kiến nghị mãi vẫn chưa được xem xét. Trong khi đóng góp của thuế thu nhập cá nhân (TNCN) trong cơ cấu thuế ngày càng tăng. Nghĩa là họ đóng góp nhiều hơn nhưng lại thiệt thòi hơn vì ngưỡng thuế được tất cả thừa nhận rằng đã lỗi thời vẫn duy trì quá lâu. Đặc biệt trong bối cảnh Chính phủ vừa có Tờ trình gửi Quốc hội xem xét cho phép tiếp tục thực hiện chính sách giảm 2% thuế suất thuế giá trị gia tăng (GTGT) đối với nhóm hàng hóa, dịch vụ đang áp dụng thuế suất thuế 10% trong 6 tháng cuối năm 2024. Tương tự, Chính phủ cũng đề xuất cho phép hai luật Kinh doanh bất động sản và Nhà ở có hiệu lực sớm 6 tháng. Chỉ riêng thuế TNCN thì kiến nghị chỉnh sửa đã qua vài kỳ họp Quốc hội nhưng theo kế hoạch, vẫn phải chờ thêm hơn 2 năm nữa mới áp dụng trong thực tế.

"Gánh" một luật thuế đã lỗi thời thêm tới 2 năm nữa, đặc biệt khi có nhiều yếu tố khiến thu nhập có nguy cơ "teo tóp" là nỗi lo của rất nhiều người. Yếu tố đầu tiên là giá cả. Theo Tổng cục Thống kê, 4 tháng đầu năm, chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,93% so với cùng kỳ năm 2023 mà nguyên nhân chính là do tác động của giá dịch vụ, giáo dục, thuốc và y tế, xăng dầu... Có thể thấy, nhóm tăng giá mạnh nhất cũng chính là nhóm các sản phẩm, dịch vụ thiết yếu không thể cắt giảm, điều này khiến thu nhập teo tóp một phần. Thứ hai, mấy tháng vừa rồi nắng nóng gay gắt trên diện rộng, thời gian nắng nóng kéo dài nhất trong lịch sử khiến hóa đơn tiền điện của đa số hộ gia đình tăng cao, thu nhập bị "bào" thêm một chút. Thứ ba, kinh tế khó khăn nên không ít doanh nghiệp vẫn phải giảm lương, thưởng... và thu nhập của người lao động cũng mỏng hơn đáng kể.

Giá cả tăng, chi phí tăng nhưng thu nhập không tăng khiến mức GTGC cho người nộp thuế chỉ 11 triệu đồng và người phụ thuộc 4,4 triệu đồng/người/tháng càng trở nên bất hợp lý. Chưa kể trong suốt gần 5 năm khó khăn liên tiếp tính từ khi dịch Covid-19 xuất hiện, người làm công ăn lương chưa được hỗ trợ giãn, giảm thuế TNCN như một số luật thuế khác, đối tượng khác. Nên họ "ganh tị", cũng là điều dễ hiểu.

Đáng nói, Chính phủ cũng không ít lần nhắc Bộ Tài chính xem xét nghiên cứu về mức GTGC đối với thuế TNCN. Trong Tờ trình gửi Quốc hội đề xuất giảm thuế GTGT 6 tháng cuối năm 2024 mấy ngày trước, cũng có thuế TNCN. Cụ thể, Chính phủ khẳng định để kịp thời ứng phó với diễn biến tình hình kinh tế - xã hội, sẽ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất một số giải pháp về thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất, bao gồm cả thuế TNCN. Vì vậy rất khó hiểu khi Bộ Tài chính vẫn bảo lưu lộ trình năm 2025 mới sửa đổi tổng thể luật thuế này, bao gồm các nội dung về chính sách thuế, thu nhập chịu thuế, cũng như các vấn đề liên quan đến mức GTGC… Như vậy nếu được thông qua thì tới năm 2026 mới có hiệu lực. Nghĩa là 2 năm nữa người nộp thuế mới chính thức được thụ hưởng chính sách mới.

Trong một diễn biến liên quan, để góp phần cải thiện đời sống của công chức, viên chức và người lao động, từ 1.7 tới, lương tối thiểu vùng sẽ chính thức tăng. Nhưng lương tăng mà thuế TNCN đứng yên sẽ khiến niềm vui không trọn vẹn. Cũng giống như năm ngoái, lương tăng nhưng thuế không điều chỉnh khiến nhiều người không được hưởng trọn phần tăng thêm của mình.

Bởi vậy mới nói, đồng bộ chính sách mới phát huy tối đa hiệu quả như mong muốn và mục tiêu.

Có thể bạn quan tâm