Thời sự - Bình luận

Bớt kiểm tra vô tội vạ, dân được nhờ

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Việc Sở TN-MT TP.HCM yêu cầu các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai không được kiểm tra hiện trạng công trình khi xử lý hồ sơ đăng ký biến động nhà đất nhận được sự ủng hộ của người dân.

Trước đó, Sở TN-MT nhận được phản ánh từ người dân rằng khi giải quyết thủ tục đăng ký biến động với nhà ở, công trình xây dựng gắn liền với đất đã được chứng nhận quyền sở hữu (sổ đỏ), một số chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai vẫn yêu cầu kiểm tra hiện trạng công trình, nhà ở và từ chối giải quyết thủ tục. Đáng nói, yêu cầu này không đúng với quy định của pháp luật hiện hành, không đúng với chủ trương cải cách hành chính của Chính phủ cũng như chính quyền thành phố và gây phiền nhiễu cho người dân. Vì thế, Sở đã "tuýt còi".

Thực tế, việc "đòi kiểm tra" cả đúng luật và không đúng luật diễn ra trong rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề. Không chỉ người dân mà với cộng đồng doanh nghiệp (DN) còn diễn ra nhiều hơn, phổ biến hơn. Có DN thừa nhận họ phải thành lập một bộ phận chỉ chuyên tiếp đoàn kiểm tra.

Thế nên hơn 7 năm trước, Chính phủ đã ra chỉ thị, trong đó, quy định nổi bật nhất là không được thanh tra, kiểm tra DN quá 1 lần/năm và chỉ thanh tra đột xuất khi phát hiện vi phạm. Thế nhưng vẫn không ăn thua. Vì chỉ cần mỗi cơ quan, ban ngành kiểm tra 1 lần/năm thôi thì DN cũng phải "tiếp khách" quanh năm.

Cuối năm 2023, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản VN (VASEP) thậm chí đã có công văn gửi Chính phủ và các bộ, ngành liên quan phản ánh về một trong những khó khăn mà DN ngành này gặp phải là tình trạng có quá nhiều đoàn thanh tra, kiểm tra mỗi năm. "Dù cùng một nội dung, một lĩnh vực nhưng lại có nhiều đơn vị thanh tra, kiểm tra khác nhau. Đặc biệt là lĩnh vực hải quan, thuế, môi trường... dẫn đến tình trạng trùng lặp, chồng chéo trong hoạt động thanh tra, kiểm tra", công văn nêu rõ.

Nhìn rộng hơn, các thủ tục, điều kiện kinh doanh chồng chéo, các loại "giấy phép con, giấy phép cháu"... vẫn đang bó buộc môi trường đầu tư của chúng ta. Bộ KH-ĐT năm ngoái cũng thừa nhận từ năm 2019 đến nay, cải cách môi trường đầu tư kinh doanh có dấu hiệu chững lại. Thậm chí một số bộ, ngành có xu hướng ban hành quy định để khôi phục những điều kiện kinh doanh (giấy phép con) từng bị bãi bỏ. Hay vấn đề nhức nhối hiện nay khiến nguồn cung bất động sản thiếu hụt, giá tăng cao cũng là do thủ tục cho một dự án mất quá nhiều thời gian, từ vài năm đến chục năm. Mà đã có điều kiện, có "giấy phép con, giấy phép cháu" thì phải có kiểm tra, cái này kéo theo cái khác, kéo trì tính hiệu quả của môi trường đầu tư.

Ở chiều ngược lại, rất nhiều vấn đề cần kiểm tra, giám sát thì chúng ta lại chưa sâu sát. Chẳng hạn như tiến độ thi công các dự án, đặc biệt là các dự án trọng điểm quốc gia. Hệ quả là nhiều dự án lưu cữu, kéo dài cả thập niên, vài thập niên, lãng phí không biết bao nhiêu nguồn lực của đất nước. Nhiều chung cư xây chui cả chục tầng, hệ thống PCCC chưa có vẫn đưa vào sử dụng; Các trung tâm đăng kiểm không đủ chất lượng dịch vụ vẫn hoạt động công khai bao nhiêu năm mới phát hiện... Tương tự, cái cần hậu kiểm thì lại tăng tiền kiểm, cái cần "luồng xanh" thì lại "bẻ" sang luồng vàng... Những cách hành xử, những hiện tượng như vậy, chỗ này chỗ kia vẫn còn rất nhiều.

Vì thế, cần hơn nữa người đứng đầu các cơ quan bộ, ngành... kiểm tra rà soát việc thực thi cơ chế, chính sách pháp luật khi đi vào cuộc sống để bớt phiền hà cho người dân, DN. Giống như việc Sở TN-MT TP.HCM "tuýt còi" các chi nhánh văn phòng đăng ký đất đai tự đòi kiểm tra hiện trạng công trình khi đăng ký biến động nhà đất, được người dân vô cùng hoan nghênh và điều này cũng sẽ giúp thị trường bất động sản, vốn chưa thực sự khỏe mạnh của TP thêm động lực phục hồi.

Theo Nguyên Khanh (TNO)

Có thể bạn quan tâm