Thời sự - Bình luận

Bù chéo giá điện, sao phải 'dần xóa' ?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Biểu giá bán lẻ điện do Bộ Công thương vừa trình Chính phủ dự kiến còn 5 bậc thay vì 6, giá cho các nhóm được điều chỉnh để giảm tình trạng hộ gia đình phải bù chéo cho sản xuất kinh doanh.
Ảnh minh hoạ: Internet

Ảnh minh hoạ: Internet

Theo Bộ trưởng Bộ Công thương, việc này nhằm dần xóa khoảng cách bất hợp lý, bù chéo giữa các đối tượng sử dụng điện. Tuy nhiên, giải thích này chưa nhận được sự đồng tình vì nhiều lý do.

Thứ nhất, cơ chế bù chéo giá điện đã kéo dài 10 năm, một khoảng thời gian quá dài nên thay vì "dần xóa" thì việc nên làm và phải làm là xóa ngay. Thứ 2, doanh nghiệp (DN), nhất là các DN FDI nếu cần (và trên thực tế đã được) hỗ trợ thì có thể bằng rất nhiều chính sách ưu đãi như thuế, phí, lãi vay... chứ không thể bắt người dân gánh thêm nhiệm vụ thu hút đầu tư thông qua bù chéo giá điện như hiện nay. Thứ 3, chúng ta đang xây dựng thị trường điện cạnh tranh, nhưng không thể có một thị trường điện cạnh tranh mà trong đó giá điện sinh hoạt lại phải gánh cho sản xuất, người dùng nhiều gánh cho người dùng ít, thậm chí giá điện cũng làm luôn nhiệm vụ an sinh xã hội với người nghèo, vùng sâu vùng xa. Thứ 4, Việt Nam cam kết giảm phát thải ròng về 0 vào năm 2050 nên sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả là ưu tiên hàng đầu. Nếu chúng ta vẫn dùng giá điện rẻ như một lợi thế thu hút vốn FDI là đi ngược với mục tiêu chung. Chưa kể giá điện rẻ cũng sẽ không khuyến khích DN chuyển đổi công nghệ mới, công nghệ hiện đại tiêu hao ít năng lượng, thậm chí còn để ngỏ nguy cơ nhập khẩu "công nghệ rác" vào thị trường nội địa. Thứ 5, Nghị định 55/2020 của Bộ Chính trị nhấn mạnh Việt Nam định hướng xóa bỏ mọi rào cản để đảm bảo giá năng lượng minh bạch, do thị trường quyết định, không bù chéo giữa các nhóm khách hàng, giữa các vùng miền. Nhà nước điều tiết thông qua các công cụ thị trường như thuế, phí, các quỹ và chính sách an sinh xã hội. Vậy tại sao không bỏ luôn bù chéo mà phải "xóa dần" ?

Trên thực tế, việc bù chéo giá điện đã và đang kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó nghiêm trọng nhất là suy giảm niềm tin của người dân vào tính minh bạch của ngành điện. Câu nói "điện chỉ tăng không giảm" là phản ứng của dư luận mỗi khi ngành điện tính chuyện tăng giá. Ở thời điểm hiện tại, ngành điện đang lỗ tới 47.500 tỉ đồng, con số "khủng" khiến có nhiều thời điểm, ngành điện đứng trước nguy cơ không đủ kinh phí để duy trì sản xuất. Thế nhưng nỗi khổ lỗ lớn của ngành không nhận được sự cảm thông của người dân cũng xuất phát sự thiếu minh bạch trong cơ cấu giá. Nói lại để thấy, nếu không tách bạch nhiệm vụ an sinh xã hội và thu hút đầu tư khỏi giá điện, không bỏ cơ chế bù chéo, điện sinh hoạt "cõng" điện sản xuất thì rất khó để thuyết phục người dân.

Trở lại với biểu giá điện mới, chính bản thân Bộ trưởng Bộ Công thương cũng thừa nhận "bất hợp lý". Một cơ chế bất hợp lý nhưng kéo dài cả thập niên, gây nhiều hệ lụy, trong bối cảnh kinh tế khó khăn và thu nhập của người dân đang teo tóp do chi phí tăng thì việc bắt họ tiếp tục bù chéo cho điện sản xuất là hết sức vô lý.

Người dân luôn sẵn sàng trả tiền điện cao, chấp nhận giá điện tăng nhưng mọi thứ phải rõ ràng, minh bạch và hợp lý. Và cũng chỉ khi nào đạt được các tiêu chí như vậy, chúng ta mới có thị trường điện cạnh tranh.

Theo Nguyên Minh (TNO)

Có thể bạn quan tâm