Bữa cơm rau của học sinh vùng III ở Gia Lai

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Vào cái thời buổi thóc cao gạo kém này, ở phố thị, mỗi bó rau nhỏ cũng đã đến 5.000 đồng, thế nhưng bất ngờ thay, trong một thời gian khá dài, hàng chục học sinh dân tộc thiểu số đang theo học bán trú tại Trường THCS Lơ Pang (xã Lơ Pang, huyện Mang Yang) đến lớp với cái bụng chỉ có hai bữa ăn chính, giá trị chưa đầy 3.000 đồng…

Lơ Pang là một xã vùng III của huyện Mang Yang, cư dân phần lớn là người Bahnar, chủ yếu sống bằng nghề nông. Trường THCS Lơ Pang có tổng cộng 268 học sinh, trong đó khoảng 60 em đến từ 3 làng: A Lao, Pờ Dầu và Đak Lá, làng gần nhất cũng cách trường cả chục cây số đường đồi núi quanh co. Vì phương tiện đi lại không có, đường sá khó khăn mà các em lại phải nhịn đói đi học nên nhiều học sinh đã bỏ cuộc.

Bữa ăn hàng ngày gồm cơm, cá khô mặn chát và canh “toàn quốc” lõng bõng nhưng các em vẫn ăn rất ngon lành. Ảnh: Ngọc Linh

Khắc phục tình trạng này, nhà trường đã mở lớp bán trú cho các em. Theo đó, có 40 học sinh của trường được nhận hỗ trợ thêm 90.000 đồng/tháng cho hai bữa trưa, chiều. Với tổng cộng số tiền được hỗ trợ mỗi tháng là 3.600.000 đồng, chị nuôi đã dày công tính toán cho từng bữa ăn của các em sao cho đủ duy trì trong vòng một tháng.

Vì số tiền quá ít ỏi nên để bữa ăn đủ chất, hay đổi món thường xuyên là chuyện không thể, mà lượng càng nhiều càng tốt. Hai món chủ đạo mà các em đồng hành từ năm này qua năm khác trong mỗi bữa trưa và chiều là cá khô và canh rau.

Nghe chuyện, chính quyền xã đã lập tức xắn tay cùng nhà trường vận động người dân ủng hộ với hình thức sau khi thu hoạch nông sản, mỗi hộ đóng góp 50.000 đồng giúp học sinh chống đói để học tập.
Dân nghe chuyện tán thành ngay. Nhưng để có ngay 50.000 đồng đóng góp đối với họ đâu phải dễ dàng. Thế là các bên thống nhất: Hàng tháng, nhà trường cứ mua chịu gạo. Cuối năm, cán bộ xã sẽ có trách nhiệm đi thu số tiền trên, giao lại cho nhà trường trả nợ.

Ảnh: Ngọc Linh

Do bữa ăn thiếu chất mà các em lại đang tuổi ăn tuổi lớn, bên cạnh đó còn phải nhịn ăn sáng để đi học nên ảnh hưởng đến sức khỏe rất nhiều. Nhiều em đói quá phải về nhà xin cha mẹ rau, củ để phụ thêm vào bữa ăn ở trường.

Thầy Nguyễn Thương bộc bạch rằng: Trình độ nhận thức của các em đã thua thiệt nhiều nơi, trong khi lại vác bụng đói đến lớp thì làm sao đầu óc có thể minh mẫn được. Nhìn chung, các thầy cô ở đây phải nỗ lực rất nhiều trong việc giảng dạy.

Chúng tôi đã chứng kiến buổi ăn trưa của các em: Mỗi bàn được xếp cho 9 em, trên mâm chỉ có 1 đĩa cá khô với vài con cá nhỏ, một thau canh lõng bõng nước và thố cơm đầy. Hình ảnh các em nhai ngấu nghiến những món rất khó nuốt một cách ngon lành, khiến những ai thấy cũng không khỏi chạnh lòng, xót xa.

Em Thom- học sinh lớp 7B nói: Những món ăn như thế này chỉ lên trường mới có chứ ở nhà thậm chí còn ăn khổ hơn nữa kìa. Bữa ăn ở nhà em hầu như quanh năm chỉ là cơm trắng với lá mì, chẳng mấy khi có cá khô hay canh đâu!

Thương sao khi cậu học trò với thân hình gầy gò bảo rằng, em nhịn ăn sáng đi học đã quen rồi! Thom kể, sáng nhịn đói đến trường, buổi chiều sau khi đi học về phải đi rẫy giúp cha mẹ đến tối mịt mới nghỉ. 5 giờ sáng hôm sau lại cuốc bộ đi học. Điều bất ngờ là dù gian khổ như thế nhưng Thom luôn là học sinh khá của trường.

Cái đói, cái nghèo còn thể hiện rõ nét ở trang phục lấm lem, cáu vàng mà các em mặc tới trường. Cũng đúng thôi, chuyện ăn còn khó nói chi đến chuyện mặc; học sinh nào cũng chỉ có vài bộ quần áo cũ, rách mặc xuyên suốt cả năm. Thầy-cô giáo Trường THCS Lơ Pang mong các tổ chức, các nhà hảo tâm hỗ trợ dù chỉ là gói mì ăn liền giúp học sinh nghèo có thêm bữa sáng, tiếp sức cho học sinh trên vùng đất khốn khó này.

Ngọc Linh

Có thể bạn quan tâm