Bừng sáng Gron

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Cách trung tâm xã Ia Kriêng (huyện Đức Cơ, Gia Lai) khoảng 7 km, làng Gron có 28 hộ gia đình với 60 nhân khẩu là những người bị bệnh phong. Đã có một thời, 28 hộ gia đình nơi đây sống hầu như biệt lập với bên ngoài. Hầu hết dân làng đều nghèo, thất học và ngại giao tiếp. Họ sống trong cảnh thiếu ăn, thiếu mặc, bệnh tật dày vò. Những người may mắn được chữa lành bệnh vẫn không khỏi mặc cảm với bệnh tật, họ sống thu mình trong làng.
Để tạo điều kiện cho những bệnh nhân phong ở đây sống, sinh hoạt như những người bình thường, UBND huyện Đức Cơ đã đầu tư xây dựng cho mỗi hộ gia đình một căn nhà và cấp cho mỗi hộ dân 2,5 ha đất canh tác. Mặc dù các cấp ủy đảng và chính quyền hết sức quan tâm, song do bệnh tật, trình độ sản xuất hạn chế nên đời sống của bà con vẫn khó khăn và thiếu thốn...
Trường Tiểu học làng Gon. Ảnh: C.H
Không thể để cho người dân mãi đói nghèo, chính quyền địa phương thực hiện phương châm “điện, đường” phải đi trước một bước. Nhưng lời giải cho “bài toán” này thật sự quá khó so với tiềm lực kinh tế địa phương và cả điều kiện khách quan do địa bàn cách trở. Thế rồi dự án cấp điện cho các thôn làng chưa có điện ở 5 tỉnh Tây Nguyên của Chính phủ được triển khai thực hiện. Gron là một trong 331 thôn làng ở Gia Lai được thụ hưởng nguồn đầu tư của dự án. Để cấp điện cho làng Gron phải xây dựng gần 2 km đường dây trung áp, 0,84 km đường dây hạ áp, 1 trạm biếp áp 25 kVA.
Cách đây 2 năm, dòng điện quốc gia đã về đến từng nóc nhà của làng Gron. Hôm ấy, chúng tôi có mặt tại làng Gron từ rất sớm. Tất cả người dân nơi đây chào đón những công nhân Điện lực trong tâm trạng háo hức mong chờ cái thời khắc ánh điện bừng sáng…   
Trở lại làng Gron hôm nay, trước mắt chúng tôi; Gron đã đổi thay vượt bậc cả về đời sống vật chất và tinh thần. Trưởng thôn Rơ Mah Kem phấn khởi nói: “Từ ngày nhân dân làng mình có điện thắp sáng, mọi thứ đã đổi thay; cái đói, cái nghèo từng bước được đẩy lùi. Hiện nay, nhà nào cũng có ti vi. Từ lúc có điện, tối đến từ người già, đến trẻ con quây quần xem ti vi, nói cười rôm rả. Bà con đã biết học hỏi cách làm ăn từ cái ti vi; trẻ con học bài bằng ánh điện, thay vì chiếc đèn dầu trước đây, trẻ em đủ tuổi đến lớp đều đi học đầy đủ. Mình cảm ơn Đảng, Nhà nước và ngành Điện nhiều lắm!”.
Thầy giáo Kpuih Blin dạy học tại làng Gron từ năm 1996 tâm sự: “Trước kia, mỗi buổi sáng tôi phải đi sớm hơn 1 giờ đồng hồ để quay nước hoặc vào suối lấy nước về làm vệ sinh cho các em trước khi vào lớp học, rất vất vả. Từ lúc có lưới điện để phục vụ sinh hoạt, lại được ngành Điện tặng cho làng cái máy bơm nước, giờ tôi chỉ cần đi trước vài phút đóng cầu dao là đã có nước vệ sinh cho các em”.
Đối với người dân “làng phong”, những ngày sống khó khăn, thiếu thốn, biệt lập đã dần lui vào dĩ vãng. Bây giờ, các thế hệ con cháu của làng đã khỏe mạnh. Theo số liệu thống kê của Trạm Y tế xã Ia Kriêng, toàn làng hiện chỉ còn 4 người mắc bệnh phong; điều đáng mừng là mấy năm trở lại đây, không phát hiện thêm bệnh nhân phong mới. Đa số bệnh nhân phong cũ trong làng đã khỏi bệnh, trồng lúa, trồng mì, trồng điều… Dân quanh vùng cũng không còn xa lánh người làng Gron như trước. Đặc biệt, đã có những hộ dân người Kinh đến sinh sống cùng bà con.
Ông Siu Viên- Phó Chủ tịch UBND xã Ia Kriêng phấn khởi: Làng phong hôm nay đã khoác lên mình chiếc áo mới. Con đường dẫn vào làng hôm nay trải dài một màu xanh của lúa, mì, điều…
Công Hiền

Có thể bạn quan tâm