Thời sự - Bình luận

'Bùng' tiền của lao động nghèo: Phạm luật, thiếu đạo đức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Ở Thanh Hoá , 220 chủ doanh nghiệp “bùng”, không đóng tiền bảo hiểm cho người lao động. Ở Đà Nẵng, người lao động gọi cả 100 cuộc điện thoại đòi chốt sổ bảo hiểm xã hội (BHXH) trong vô vọng. Cả nước có tới 2,7 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH.
Bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH, nhiều lao động thất nghiệp, không có nguồn thu, không có chế độ bảo hiểm thất nghiệp hay thai sản đang lâm vào bước đường cùng. Ảnh: Thuỳ Trang

Bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH, nhiều lao động thất nghiệp, không có nguồn thu, không có chế độ bảo hiểm thất nghiệp hay thai sản đang lâm vào bước đường cùng. Ảnh: Thuỳ Trang

Chị Nguyễn Thị Hiền - một người lao động từng làm việc tại Dự án Cocobay (Đà Nẵng) - không nhớ nổi đã bao nhiêu lần đi đòi nợ BHXH nữa. “Chúng tôi đi suốt, ngày nào cũng vài ba nhóm đem sổ lên công ty, đòi chốt sổ BHXH. Có lúc túng quẫn quá, mấy chị em đến công ty khóc lóc, nài nỉ họ đóng tiền BHXH để ít nhất chúng tôi được nhận bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản. Ở quê ra thành phố làm việc, mất việc rồi, đâu còn gì trong tay”.

Nơi mà Hiền đòi nợ là Cocobay, từng mời Cristiano Ronaldo sang quảng bá: "Cocobay, my home in Vietnam". Số tiền để mời, chắc lớn hơn rất nhiều 6,5 tỉ đồng mà Cocobay đang nợ BHXH của rất nhiều những người như Hiền.

Hiền, từng “gọi 100 lần” nhưng không lần nào họ nghe máy.

Hiền, từng nhờ cơ quan công an đòi giúp, nhưng kết quả là chị bị mời lên phường vì “quấy rối doanh nghiệp”.

Hiền, 3 con nhỏ, đã đến bước đường cùng. Những ngày ôm con nhỏ ở nhà không công ăn việc làm, không thu nhập, không chế độ..., thậm chí chị đã nghĩ quẩn.

Những nạn nhân bị doanh nghiệp “bùng” BHXH như Hiền nhiều lắm.

Ở Thanh Hoá, năm 2022, có tới 520 doanh nghiệp nợ tiền bảo hiểm hơn 121 tỉ đồng. Trong đó, 220 chủ doanh nghiệp bỏ trốn, với số tiền nợ BHXH lên đến hàng chục tỉ đồng.

Thống kê của Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Hết năm 2022, hơn 2,13 triệu lao động bị doanh nghiệp chậm đóng BHXH từ 1 đến dưới 3 tháng; 440.800 người bị nợ đóng từ 3 tháng trở lên và gần 213.400 người bị "treo" sổ tại các doanh nghiệp đã giải thể, ngừng hoạt động, doanh nghiệp nợ BHXH khó thu hồi.

Doanh nghiệp nợ BHXH, mọi hậu quả người lao động lãnh đủ. Như Hiền, thất nghiệp, tay trắng, không cả những tối thiểu là bảo hiểm thất nghiệp, chế độ thai sản...

Có lẽ, việc xem xét trách nhiệm hình sự của các doanh nghiệp trây ì, trốn đóng cần được thực hiện một cách thật sự nghiêm túc. Bởi trong khi số người lao động đang bị nợ BHXH chiếm tới 17,4% tổng số lao động tham gia BHXH bắt buộc... thì việc xem xét trách nhiệm hình sự, kể cả khi có đề nghị chính thức của cơ quan chức năng, cũng gần như là hãn hữu.

Còn bởi “bùng” tiền, trây ì không chịu đóng bảo hiểm cho người lao động, không những là hành vi vi phạm pháp luật mà về khía cạnh đạo đức cũng khó có thể biện minh bằng bất cứ lý do gì, khó có thể chấp nhận được.

Không lẽ những lao động đã bị đẩy đến bước đường cùng như Hiền giờ cứ tuyệt vọng đi đòi mãi không biết đến bao giờ?!

Có thể bạn quan tâm