Phóng sự - Ký sự

Buộc đất lửa phải nảy mầm xanh

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Trong hình dung của nhiều người, đất Quảng Trị là nơi khô cằn sỏi đá và chi chít dấu vết của bom đạn. Ít ai biết rằng mấy năm qua đã có những mầm xanh mọc lên trên vùng đất ấy.

Ông Nguyễn Quang Toan, nông dân tham gia liên kết trồng lúa sạch với Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị, đi bắt cá trên ruộng lúa sau khi gặt - Ảnh: QUỐC NAM
Ông Nguyễn Quang Toan, nông dân tham gia liên kết trồng lúa sạch với Công ty Nông sản hữu cơ Quảng Trị, đi bắt cá trên ruộng lúa sau khi gặt - Ảnh: QUỐC NAM
Những mầm xanh đến từ ý chí con người qua nền nông nghiệp mang hơi thở của công nghệ hiện đại, của khoa học tiến bộ và của cả những giấc mơ xanh vươn ra thế giới.
Đưa công nghệ Israel về chăm cây
Đồi C2, thuộc địa phận xã Cam Tuyền, huyện Cam Lộ, là bãi bom đạn thời chiến tranh chống Mỹ. 
Người dân ở đây kể rằng ngày hòa bình mới lập lại, người dân trong vùng thường sống bằng nghề rà phế liệu. Máy dò chạm xuống, mỗi mét vuông đất đều có thể phát ra tín hiệu có mảnh đạn, mảnh bom.
Thời đó chính quyền địa phương khuyến khích khai hoang trồng rừng để phủ xanh đồi núi, nhưng suốt hàng chục năm trời không ai dám đặt một nhát cuốc thật mạnh xuống vùng đất này. 
Còn hiện tại, một khoảnh đất rộng khoảng 5ha ở ngay ngọn đồi này đang được phủ thành từng lối xanh thẳng tắp. Không khí và không gian ở bên trong dãy hàng rào khiến người ta ngỡ rằng mình đang ở một nông trại nào đó ở phương Tây xa xôi.
Chị Lê Hồng Nhạn, chủ của nông trại này, tự nhận mình là nông dân chính hiệu. Năm 2016, chị bắt tay vào gầy dựng nông trại này với loài cà gai leo, một loại cây mọc hoang dại có dược tính cao, thích hợp cho những lá gan đã tổn thương. 
"Thời của công nghệ thì nông dân cũng phải làm nông bằng công nghệ", chị Nhạn quyết định tìm loại công nghệ nào hiện đại và phù hợp nhất cho loại cây này ở vùng núi.
Nơi chị chọn khởi sự cho con đường làm nông là vùng đồi núi nên không có sẵn nguồn nước. Khoan giếng để tìm nước suốt nhiều ngày trời, nhóm của chị mới tìm ra nơi có nước và để sử dụng tiết kiệm được nguồn nước hiếm hoi này, chị lặn lội vào tận Quảng Ngãi học cách làm với công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel cho nông trại của mình. 
Lúc đó ở Quảng Trị chưa ai biết công nghệ tưới nhỏ giọt của Israel là gì. Chị Nhạn vào tận TP.HCM mời chuyên gia ra vùng đồi C2 lắp đặt công nghệ này. Thời điểm đó ở Quảng Trị công nghệ này chưa ai dám đầu tư vì giá quá cao và lắp đặt phức tạp.
Cách nông trại này một đoạn đường là một nhà xưởng khá rộng. Đây là nơi chị Nhạn chiết và cô đặc cà gai leo thành sản phẩm. 
Chị Nhạn nói đây cũng là điều bất ngờ với một người làm nông như chị khi ban đầu chị chỉ định trồng rồi bán thô như cách mà người dân trong vùng thường làm lâu nay với các sản phẩm đặc sản như hồ tiêu, bột nghệ, chè vằng. 
Những lứa cà gai leo đầu tiên từ nông trại được chị đưa đi nấu và chiết thủ công theo cách nấu truyền thống nhưng mấy tháng sau thấy không đảm bảo về vệ sinh, chị Nhạn quyết định tiếp tục "săn" công nghệ cho nông sản của mình. 
Chị dốc hết vốn liếng đầu tư cả nồi cô đặc chân không và hệ thống chiết chuyên dụng qua lò hơi để chế biến cây cà gai leo. 
Chị cũng là người đầu tiên tại vùng đất này "dám" làm nông theo kiểu chưa ai mở lối. Rồi đất cũng không phụ người, chỉ sau một thời gian ngắn, sản phẩm của chị làm ra đã có mặt khắp cả nước.

Nông trại trồng cà gai leo vô cùng hiện đại của chị Nhạn “mọc” lên giữa vùng đất bom đạn năm xưa - Ảnh: QUỐC NAM
Nông trại trồng cà gai leo vô cùng hiện đại của chị Nhạn “mọc” lên giữa vùng đất bom đạn năm xưa - Ảnh: QUỐC NAM
Lúa "4 không" chưa từng có trên thế giới
Về những cánh đồng lúa ở vùng Vĩnh Thủy (Vĩnh Linh, Quảng Trị) thời điểm này sẽ chỉ còn tóc rạ. Mùa gặt vừa đi qua, những người nông dân ở vùng này đang làm một việc xưa nay hiếm ở ngay chân ruộng vừa gặt là đắp bờ... bắt cá. 
Ông Nguyễn Văn Hải, một nông dân, cười hớn hở: "Mấy năm ni cá tôm xuất hiện trở lại ở ruộng rồi. Thu hoạch xong lúa cũng bán được thêm kha khá cá rô đồng, tôm tép, ốc các loại".
Ông Hải nói thật ra ở cánh đồng này trước kia cũng hay có tôm cá, nhưng là trước đó gần 20 năm. 
Từ khoảng những năm 2000 trở đi thì nông dân dùng thuốc trừ sâu, trừ cỏ, phân hóa học nhiều quá. Cá tôm cũng không còn đất sống. Mọi chuyện bắt đầu thay đổi từ năm 2017, lúc Công ty cổ phần Nông sản hữu cơ Quảng Trị về đặt vấn đề trồng lúa sạch.
Phía công ty này đưa ra mô hình liên kết và buộc toàn bộ nông dân tham gia phải cam kết thực hiện theo đúng phương pháp mà công ty đưa ra. 
"Yêu cầu "cốt tử" nhất của việc trồng lúa kiểu này là "4 không": không phân bón hóa học, không dùng thuốc bảo vệ thực vật, không dùng thuốc kích thích, không dùng chất bảo quản. Vì quen với kiểu làm nông cũ nên ai cũng lo" - ông Hải nhớ lại.
Sau vụ đầu tiên, sản lượng lúa cho ra không cao như kỳ vọng, nhiều nông dân có ý nản muốn quay lại kiểu cũ. Phía công ty tổ chức trồng cam kết sẵn sàng bỏ tiền ra bù lỗ phần chênh lệch năng suất cho nông dân. 
Vụ lúa thứ hai có khá hơn nên nhiều người có thêm chút niềm tin. Nhưng điều khiến những người nông dân ở đây thấy hứng thú nhất là từ khi đó ruộng lúa bắt đầu có tôm cá trở lại như 20 năm trước. 
"Từ khi có cá trở lại, chúng tôi bắt đầu tin vào khái niệm lúa sạch và càng quyết tâm đeo đuổi" - ông Hải nói. Cùng lúc với xã Vĩnh Thủy, công ty này cũng triển khai trồng lúa sạch kiểu "4 không" ở nhiều huyện khác của Quảng Trị với tổng diện tích đã gần được 100ha.
Người khởi xướng kiểu trồng lúa sạch này là bà Phạm Diễm Lệ, người gốc Quảng Bình, đang làm dâu tại Quảng Trị. 
Bà Lệ nói trước khi bắt tay vào sản xuất lúa sạch, công ty này cũng mang mẫu đất và mẫu nước tưới đi kiểm nghiệm để chọn vùng đất sạch đủ điều kiện canh tác hữu cơ. 
Sau mùa thu hoạch lúa, Sở NN&PTNT Quảng Trị lấy mẫu lúa gạo nhờ một đơn vị độc lập mang đi kiểm nghiệm tại Tập đoàn Erofins (công nghệ GC/MS, công nghệ GC-MS, sắc ký khí ghép khối phổ) của Nhật Bản với những thiết bị hiện đại bậc nhất. Kết quả là lúa gạo hữu cơ Quảng Trị đạt 545 chỉ tiêu chất lượng.
Theo PGS Trần Đăng Xuân - trưởng phòng thí nghiệm sinh lý thực vật và hóa sinh Trường ĐH Hiroshima (Nhật Bản), trên thế giới hiện nay chưa có loại gạo nào đạt cả 545 chỉ tiêu về chất lượng như loại gạo hữu cơ Quảng Trị đang làm (kể cả gạo hữu cơ tại Nhật Bản).
Ngay cả bà Diễm Lệ cũng không ngờ về kết quả này. Loại gạo hữu cơ này mấy năm qua được lãnh đạo tỉnh Quảng Trị coi như là bước đột phá mới trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh. "Vẫn là làm nông. 
Nhưng đây mới là kiểu làm nông của thời hiện đại. Sản phẩm sạch chính là điểm đến cao nhất của mọi loại công nghệ hiện đại" - ông Hà Sĩ Đồng, phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Quảng Trị, hồ hởi nói.
Làm nông không phải mãi cuốc cày
Ban đầu tôi cũng rất ngạc nhiên với cách làm nông của chị Nhạn. Nhưng sau thấy sản phẩm làm ra đạt hiệu quả cao và được Viện Dược liệu - Bộ Y tế kiểm nghiệm đạt hàm lượng dược tính cao thì lại thấy công nghệ chính là lối mở mới cho nông dân thời hiện đại. Làm nông không nhất thiết là phải cuốc cày chân lấm tay bùn.
Công nghệ càng hiện đại thì hiệu quả càng cao, nhất là với những vùng đất khô cằn bom đạn như Quảng Trị.
Ông Ngô Quang Chiến (chủ tịch UBND huyện Cam Lộ)
Vươn ra thế giới
Sản phẩm gạo hữu cơ Quảng Trị xuất hiện tại các siêu thị trong nước. Bà Lệ nói hiện đang đàm phán để xuất khẩu gạo này qua các nước như Mỹ, Nhật Bản, châu Âu.
Loại gạo này trước đó cũng đã được đưa đi dự Hội chợ thương mại ASEAN - Trung Quốc (CAEXPO 2019) lần thứ 16 tại thành phố Nam Ninh và được mua hết.
Với cây cà gai leo, chị Nhạn nói cũng đang tìm đường đưa sản phẩm ra nước ngoài. "Mới đây có một số đơn vị Nhật, Hàn đã hẹn về tận nơi để test sản phẩm nhưng vướng dịch COVID nên phải hoãn lại" - chị Nhạn cho biết.
QUỐC NAM (TTO)

Có thể bạn quan tâm