Thời sự - Bình luận

Bước đột phá để nâng cao chất lượng bộ máy công quyền

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Câu chuyện cải cách, tinh giản bộ máy theo hướng tinh gọn, hiệu quả đã được đặt ra khá lâu nhằm nâng cao năng suất, chất lượng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước, đáp ứng yêu cầu thay đổi của cuộc sống, nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan công quyền, phục vụ tối đa lợi ích của nhân dân và Nhà nước. Việc tinh gọn bộ máy được đặt ra song hành với quá trình cải cách tiền lương nhằm cải thiện đời sống cán bộ, công chức, viên chức, hạn chế và đi đến chấm dứt tình trạng nhũng nhiễu, vòi vĩnh, tham nhũng vặt của một bộ phận cán bộ, công chức, viên chức, nâng cao hiệu quả cuộc đấu tranh phòng-chống tham nhũng của Đảng.
Bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... được kỳ vọng là bước đột phá để khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả, bộ máy hành chính giữ chân được người tài. Ảnh: T.N
Bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... được kỳ vọng là bước đột phá để khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả, bộ máy hành chính giữ chân được người tài. Ảnh: T.N
Một bộ máy hành chính cồng kềnh, kém hiệu quả khiến cho khả năng chi trả của ngân sách nhà nước ngày một khó khăn là chuyện không thể chấp nhận được. Yêu cầu cải cách bộ máy phục vụ sự phát triển của đất nước đã đến lúc không thể trì hoãn.
Thế nhưng, dù đã được đề ra nhiều lần, năm nào cũng nói, nghị quyết nào cũng đề cập, cuộc họp nào của Chính phủ cũng nêu quyết tâm mà suốt một thời gian dài, công tác tinh giản biên chế vẫn chưa mang lại hiệu quả. Càng tinh giản, bộ máy càng phình to, bởi nhiều người vẫn chỉ lo cho lợi ích cá nhân, lợi ích nhóm mà không quan tâm đến lợi ích của đất nước. Họ tuyển dụng hàng loạt, bất chấp những người không đủ năng lực vào hệ thống vì thân quen, quan hệ và vì cả những cái phong bì sau mỗi tờ quyết định. Để rồi, khi vào được bộ máy nhà nước, không ít kẻ trong số này lại cậy quyền cậy thế, trong quá trình thực thi nhiệm vụ luôn nhũng nhiễu, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp, khiến hình ảnh người cán bộ, công chức, viên chức trở nên xấu xí trong mắt nhân dân. Đó là còn chưa kể, nhiều công chức, viên chức được tuyển dụng nhưng lười biếng, trì trệ, làm việc làng nhàng, chỉ biết đòi hỏi quyền lợi mà thiếu động cơ phấn đấu, chỉ cần có chỗ “sáng cắp ô đi tối vác về”, cốt giải quyết “khâu oai” với xã hội. 
Đó chính là những hòn đá tảng cần phải đưa ra khỏi hệ thống để dòng chảy công vụ được khơi thông.
Vì vậy, việc Quốc hội thông qua quy định bỏ biên chế viên chức suốt đời theo Luật Cán bộ, công chức và Luật Viên chức được xem là một quy định đúng lúc. Bởi ngân sách không thể nuôi mãi một bộ máy hành chính quá cồng kềnh mà kém hiệu quả. Thực tế cho thấy, với bộ máy viên chức đông đảo như lâu nay, mỗi lần tăng lương (dẫu không nhiều) là một lần Chính phủ phải nâng lên đặt xuống. Bởi mấy trăm ngàn đồng tăng lương, nếu đem nhân lên con số hàng triệu cán bộ, viên chức, kết quả sẽ là một khoản tiền khổng lồ đè nặng lên ngân sách quốc gia.
Thế nhưng, ai là người dám “lấy dao gọt chân mình” khi mà rất nhiều viên chức là con ông cháu cha, là bè bạn, anh em, là những người quan hệ quen thân với nhau, dù họ chỉ là những viên chức làm việc làng nhàng!
Từ nay tới tháng 7 năm sau là quãng thời gian không ngắn mà một số cá nhân, đơn vị sẽ lợi dụng để tăng tốc tuyển dụng, “né” quy định của luật để được hưởng chế độ “viên chức suốt đời”. Vì vậy, để quy định này được thực hiện đòi hỏi sự quyết tâm rất cao từ sự chỉ đạo của cấp ủy Đảng, chính quyền và ngành Nội vụ, các bộ, ngành, địa phương; sự trong sáng, vô tư của những người tuyển dụng. Cùng với đó là phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, minh bạch trong công tác tuyển dụng.
Bỏ biên chế suốt đời, trả lương theo vị trí, chất lượng công việc... được kỳ vọng là bước đột phá để khuyến khích đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức làm việc hiệu quả, bộ máy hành chính giữ chân được người tài. Cách làm mới này sẽ khiến người có năng lực thực sự vui mừng, là cơ hội để đưa những kẻ yếu kém, cơ hội ra khỏi bộ máy. Và như vậy mới hy vọng hệ thống hành chính công được cải cách hiệu quả, thực sự mang tinh thần kiến tạo, phục vụ người dân và doanh nghiệp, tạo môi trường phát triển lành mạnh cho đất nước.
NGUYỄN VÂN

Có thể bạn quan tâm