Theo ông Hiệp, trong các năm 2006-2010, sản lượng điện tiết kiệm của các tỉnh, thành phố như trên đã bằng khoảng 1,4% tổng lượng điện thương phẩm, tập trung vào lĩnh vực cơ quan công sở khối hành chính sự nghiệp, chiếu sáng công cộng, sản xuất-kinh doanh và sinh hoạt-dịch vụ. Riêng năm 2010, cả nước tiết kiệm được trên 1,1 triệu kWh, tăng 42% so với kế hoạch.
Để đảm bảo việc sử dụng điện tiết kiệm và hiệu quả trở thành hoạt động thường xuyên, tự giác đối với từng đối tượng sử dụng điện, theo Bộ Công Thương, trước năm 2011 cần tiếp tục hoàn thiện khung pháp lý trong lĩnh vực tiết kiệm năng lượng; trong đó có việc xây dựng, ban hành kịp thời các văn bản hướng dẫn thực thi Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả.
Cùng với việc đề nghị điều chỉnh Chỉ thị số 19/2005/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ đã được ban hành từ năm 2005 cho phù hợp với tình hình hiện nay, Bộ Công Thương yêu cầu Ủy ban Nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chủ động xây dựng kế hoạch sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả của địa phương, coi tiết kiệm năng lượng và trách nhiệm và nghĩa vụ, gắn với chương trình phát triển kinh tế-xã hội của địa phương.
Các tập đoàn kinh tế cũng cần chủ động, tích cực triển khai các chương trình tiết kiệm điện nhằm giảm suất tiêu hao trên đơn vị sản phẩm, đặc biệt chú trọng đối với một số lĩnh vực tiêu thụ nhiều năng lượng như thép, xi măng, khai thác khoáng sản, đóng tàu, hóa chất.
Riêng Tập đoàn Điện lực Việt Nam cần tiếp tục đóng vai trò chủ động phối hợp với các địa phương để triển khai có hiệu quả các hoạt động tiết kiệm năng lượng; triển khai tiếp các chương trình quảng bá sử dụng đèn compact, giàn đun nước nóng bằng năng lượng mặt trời và các sản phẩm được dán nhãn năng lượng.
Theo TTXVN