Các bài thuốc chữa bệnh từ mâm ngũ quả ngày tết

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Ngoài giá trị là cầu chúc may mắn ngày Tết (cầu vừa đủ xài sung/thơm), các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt.

 

Các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt
Các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt



Vào dịp Tết Nguyên đán, từ Bắc chí Nam, nhà nào cũng đều có bày mâm ngũ quả trên bàn thờ tổ tiên. Theo thuyết ngũ hành: Kim màu trắng, Mộc màu xanh, Thủy màu đen, Hỏa màu đỏ, Thổ màu vàng. Mâm ngũ quả thường theo năm sắc màu đó để phối trí các loại quả cho tương xứng. Năm màu tượng trưng cho mong ước được ngũ phúc: phú (giàu có), quý (sang trọng), thọ (sống lâu), khang (khỏe mạnh), ninh (bình yên).

Các quả được bày vào dịp tết thường người ta chọn loại quả tươi tốt, có màu sắc đẹp và có ý nghĩa tượng trưng cho mong ước của mình. Trong đó, ngũ quả được chưng nhiều nhất thường là: mãng cầu (cầu), dừa (vừa), đu đủ (đủ), xoài (xài), sung (sung túc).

Các loại trái cây trong mâm ngũ quả có giá trị về mặt y học, dinh dưỡng rất tốt.

Mãng cầu

Mãng cầu gồm có mãng cầu xiêm và mãng cầu dai (na).


Trong phần ăn được của mãng cầu xiêm có chứa các chất: nước, protid, lipid, glucid, carbohydrat, cellulose, acid, tro và nhiều vitamin, chất khoáng vi lượng. 100 g phần ăn được của mãng cầu xiêm cung cấp 64 calo.

Vì vậy, mãng cầu xiêm cung cấp cho cơ thể nhiều chất dinh dưỡng, rất tốt cho người suy nhược cơ thể, ăn uống kém. Đây là loại trái cây có ích cho người bệnh tiểu đường và cao huyết áp.

Người ta dùng thịt quả pha thêm nước và đường hoặc sữa, xay làm nước sinh tố để giải khát, bổ mát và chống hoại huyết.

Trong đông y, quả mãng cầu xiêm xanh phơi khô tán bột dùng trị kiết lỵ và sốt rét. Lá dùng trị sốt rét với mục đích thường để chặn cữ (lên cơn sốt rét) như sau: Lá mãng cầu xiêm 15 lá, đâm vắt lấy nước cốt uống 1 lần, ngày uống 4 lần.

Bên cạnh đó, mãng cầu dai (na hay còn gọi là mãng cầu ta) có chứa: nước, protid, glucid, cellulose, tro và các chất khoáng vi lượng, vitamin. 100g phần ăn được của quả na cung cấp 98 calo.

Theo đông y, thịt quả na có vị ngọt, chua, tính ấm, tác dụng hạ khí, tiêu đàm. Thường dùng trong các trường hợp kiết lỵ, tiết tinh, đái tháo, tiêu khát, ho có đàm vàng đặc.
Quả na xanh dùng chữa lỵ và tiêu chảy.

Lá có tác dụng sát khuẩn, tiêu viêm, sát trùng, dùng chữa kiết lỵ ra máu.

Dừa

Quả dừa, theo Đông y gọi là da tử, có vị ngọt, tính bình, không độc, ăn đỡ đói. Trong sách Nam dược thần hiệu của Tuệ Tĩnh, có ghi tác dụng của quả dừa giúp khử phong, ích khí, tiêu phù thũng, trừ hoắc loạn, tâm phiền, giải nhiệt độc. Quả càng già, hàm lượng chất dinh dưỡng càng nhiều, ăn bổ dưỡng lại giúp trừ được phong thấp.

 

Quả dừa, theo Đông y gọi là da tử, có vị ngọt, tính bình, không độc, ăn đỡ đói
Quả dừa, theo Đông y gọi là da tử, có vị ngọt, tính bình, không độc, ăn đỡ đói


Nước dừa có vị ngọt, tính bình, tác dụng giảm tiêu khát, khỏi thổ huyết, trừ say nắng, giúp đen râu tóc. Nước dừa là loại nước giải khát có giá trị, tác dụng tăng cường khí lực, giải khát, giải nhiệt, làm tươi nhan sắc. Rất tốt cho người bị cảm nắng, tiêu chảy, tiêu ra máu. Ngoài ra, nước dừa vô trùng còn được dùng làm dung dịch truyền tĩnh mạch, trị tiêu chảy.

Trong nước dừa chứa nhiều chất dinh dưỡng, bao gồm: vitamin C, sắt, phospho, calci, kali, magiê, natri, các chất khoáng khác, lipid, protein, đường...

Người ta ưa chuộng dừa vì nó chứa một số acid béo không thay thế trong quá trình đồng hóa thức ăn, cố định men, tham gia dự trữ chất béo của cơ thể. Dầu dừa hay bơ dừa tạo thành một nhũ tương rất mịn khi gặp dịch mật và dịch tụy nên dễ đồng hóa.

Nước cốt dừa là cùi dừa khô bào vụn, vắt ép lấy nước. Trong nước cốt dừa có chất béo, acid amin, đường, acid hữu cơ. Nước dừa và nước cốt dừa có chất kích thích tăng trưởng nên được dùng để cấy mô.

Đu đủ

Theo sách Dược thảo bách khoa toàn thư, đu đủ được người Maya sử dụng làm thức ăn và làm thuốc từ rất lâu đời. Người Trung Quốc thì xem đu đủ như “trái cây vua của vùng Lĩnh Nam”, đặt tên cho đu đủ là Phiên mộc qua.


Đu đủ có chứa các chất dinh dưỡng: nước, glucid, protein, lipid, tro và các vitamin, chất khoáng. Trong 100g phần ăn được của đu đủ cung cấp 45 Kcalo.

Theo đông y, đu đủ chín có vị ngọt, mát, tác dụng nhuận tràng, tiêu thực, tiêu tích trệ, lợi trung tiện, lợi tiểu. Đây là loại quả bổ dưỡng, giúp tiêu hóa protid, lipid, albumin rất hiệu quả.

Đu đủ xanh có vị đắng, ngọt, tác dụng tiêu rất mạnh (dễ gây xót ruột khi dùng nhiều), được dùng chữa rối loạn tiêu hóa do tỳ vị yếu, viêm dạ dày mãn tính, viêm dạ dày-ruột non ở trẻ em. Ngoài ra, còn có tác dụng giúp cơ thể phòng chống ung thư, sát trùng diệt khuẩn.

Một số rối loạn về tiêu hóa có thể sử dụng đu đủ chín nấu ăn để điều hòa.

 

Đu đủ được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc từ rất lâu đời
Đu đủ được sử dụng làm thức ăn và làm thuốc từ rất lâu đời



Hoa đu đủ đực dùng trị ho trẻ em, ho gà, bằng cách hấp với đường phèn: 30g hoa tươi hấp với 20g đường phèn (có thể nấu với 1/2 chén nước), chia làm 2 lần cho uống trước bữa ăn.

Nhựa mủ đu đủ (Latex Caricae Papayae) được lấy từ trái xanh đem phơi khô, hoặc lấy từ thân cây, có tác dụng làm sạch da, làm lành các vết thương, thúc đẩy quá trình làm lành các ung nhọt cũng như các khối ung thư.

Tuy nhiên, đặc biệt lưu ý, phụ nữ có thai không nên ăn đu đủ xanh.

Ngoài ra, còn có quả xoài, sung hay có nhà chưng quả thơm (dứa - có ý nghĩa thơm tho, đa phúc lộc) trên mâm ngũ quả ngày Tết, cũng có những giá trị dinh dưỡng và y học được Đông y ghi nhận.

Theo Thanhnien

Có thể bạn quan tâm