Viện Khoa học Weizmann (WIS) tại Israel cho biết các nhà khoa học của nước này đã tạo ra một mô hình nhân tạo của phôi chuột mà không sử dụng trứng, tinh trùng hoặc tử cung.
Trong nghiên cứu được đăng tải trên tạp chí Cell ngày 1/8, WIS cho biết đã phát triển phôi chuột từ các tế bào gốc được nuôi cấy bên ngoài tử cung chuột cho đến giai đoạn tương đối cao, khi các cơ quan và mô phát triển bình thường. Nhóm nghiên cứu đã xử lý các tế bào gốc trong 48 giờ để tăng sự biểu hiện của một số gene cần thiết cho việc tạo ra các mô ngoại phôi. Kết quả là một số phôi chuột nhân tạo đã phát triển tương tự như phôi tự nhiên, với nhau thai và túi noãn hoàng được hình thành tách biệt với phôi. Các phôi này lớn lên trong 8 ngày rưỡi, chỉ bằng gần một nửa thời gian mang thai 20 ngày của chuột, phát triển các cơ quan nội tạng ban đầu và có nhịp tim, bộ não hình thành tốt, có hệ thần kinh trung ương và hệ tiêu hóa dạng cơ bản.
Mô hình nuôi cấy này dựa trên một phương pháp hiệu quả đã được phát triển trước đây tại WIS, đưa tế bào gốc phôi trở lại giai đoạn phát triển sớm nhất, nơi chúng có thể biệt hóa thành các mô ngoài phôi, bao gồm nhau thai và túi noãn hoàng hỗ trợ sự phát triển của phôi.
WIS nhấn mạnh cách tiếp cận sáng tạo này có thể làm giảm việc sử dụng động vật trong nghiên cứu và thậm chí trở thành nguồn cung cấp tế bào, mô và các cơ quan nội tạng đáng tin cậy cho các cuộc phẫu thuật cấy ghép.
Theo Minh Tâm (TTXVN)