Thời sự - Bình luận

Các rào cản cho sự phục hồi

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Phục hồi kinh tế đang là mối quan tâm lớn nhất ở thời điểm hiện nay. Chỉ khi kinh tế phục hồi và tăng trưởng mới tạo ra công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, kích thích tiêu dùng, kích hoạt sản xuất...

Vòng quay này càng nhanh, càng mạnh thì giá trị tạo ra càng lớn, thúc đẩy kinh tế tăng trưởng.

Nguyên lý cơ bản này ai cũng biết. Chủ trương của Đảng, Nhà nước, Chính phủ cũng chuyển sang “thích ứng linh hoạt” với tình hình mới khi vắc xin ngày càng được phủ rộng.Chúng ta đã có nhiều kỹ năng và kinh nghiệm ứng phó Covid-19 nên mới mở cửa để đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh trở lại.

Thế nhưng, việc mở cửa vẫn hết sức truân chuyên. Đơn cử ngành du lịch, những điều kiện cần và đủ để mở cửa đã được các chuyên gia dịch tễ, kinh tế phân tích không thiếu lẽ gì.

Thực tế mô hình và bài học từ các nước trong và ngoài khu vực đều không thiếu. VN cũng lên kế hoạch mở cửa từ khá sớm. Tuy nhiên, đến thời điểm này, chúng ta vẫn hết sức rón rén. Mới chỉ có 5 tỉnh, thành được đón khách quốc tế; chưa mở đường bay quốc tế.

Đặc biệt, mỗi địa phương lại có những quy định riêng về cách ly, phong tỏa... khiến du lịch được tiếng là mở cửa, nhưng du khách từ quốc tế đến nội địa đều lèo tèo. Có khu nghỉ dưỡng sức chứa hàng ngàn người chỉ đón đôi trăm khách; có địa phương duyệt vài chục khách sạn đủ tiêu chuẩn, nhưng số lượng khách đến chỉ vài chục người. Mở cửa đón khách kiểu này, doanh số không thể cáng nổi chi phí mà chỉ khiến doanh nghiệp thêm kiệt quệ.

Không chỉ có ngành du lịch tiếp tục kiệt quệ mà hàng chục, hàng trăm ngành khác; hàng vạn, hàng triệu lao động trực tiếp, gián tiếp liên quan đến du lịch cũng ngắc ngoải theo. Từ các hãng hàng không, doanh nghiệp lữ hành, hệ thống lưu trú, thị trường dịch vụ... suốt 2 năm qua thở ô xy chờ mở cửa để được hà hơi tiếp sức nhưng cửa đã mở mà không khí vẫn chưa đủ do chỉ mở he hé. Họ vẫn ngắc ngoải chờ đợi không biết đến bao giờ.

Mới đây, đại diện của các doanh nghiệp có tàu du lịch nhà hàng đang hoạt động trên sông Sài Gòn đã gửi văn bản kêu cứu tới UBND TP.HCM và các sở, ngành liên quan mong được giảm phí thuê neo đậu tại cảng vì đã kiệt sức do nợ nần, do không được hoạt động, doanh thu không có mà lãi vay đè nặng khiến họ không thể gồng gánh thêm. Rất nhiều lĩnh vực, ngành nghề cũng rơi vào tình trạng tương tự khi nhiều địa phương có xu hướng đóng trở lại khi số lượng ca F0 tăng nhanh. Có địa phương tái thiết lập hàng rào phong tỏa; một số tỉnh, thành lại tính chuyện cách ly người đến từ vùng đỏ, cam. Rồi tình trạng truy vết, cách ly vẫn được tiến hành như thời đầu chống dịch, bất chấp việc chúng ta đã phủ vắc xin thần tốc, nhiều nơi đã đạt miễn dịch cộng đồng.

Thế nên, với việc mở cửa thì quan trọng là phải mở trong tư duy. Chứ chỉ “mở trên giấy” hay “mở he hé” vì sợ trách nhiệm thì các giải pháp phục hồi kinh tế, các nỗ lực ngoại giao vắc xin, vắc xin thần tốc... sẽ bị lãng phí. Quan trọng hơn, nếu những rào cản cho việc phục hồi không được nhanh chóng dỡ bỏ, VN sẽ tụt hậu trong cuộc cạnh tranh thu hút vốn ngoại trong bối cảnh nguồn vốn đầu tư trên thế giới đang luân chuyển tìm bến đáp hiện nay.

Theo NGUYÊN KHANH (TNO)

Có thể bạn quan tâm