Cách đơn giản đối phó với nhiệt miệng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

Lở miệng được biết như một dạng viêm miệng, với một hoặc vài đốm loét đỏ nằm trong khoang miệng.
 

Mật ong có tính kháng khuẩn và chống viêm nên khá hoàn hảo trong việc chữa bệnh lở miệng
Mật ong có tính kháng khuẩn và chống viêm nên khá hoàn hảo
trong việc chữa bệnh lở miệng


Đến nay, các nhà khoa học vẫn chưa thực sự biết chính xác những gì gây ra các vết lở trong miệng, nhưng họ nghĩ rằng sự xuất hiện của nó có thể do việc vô tình cắn vào bên trong môi, yếu tố di truyền, hệ thống miễn dịch hỏng hóc hay căng thẳng…

Lở miệng bắt đầu bằng một mảng màu đỏ của da, thêm một điểm vàng hoặc trắng ở giữa và ngày càng sưng tấy, đau đớn. Thông thường, chúng sẽ tự biến mất trong 7-10 ngày. Tuy nhiên, để hạn chế sự khó chịu và đau đớn, có thể áp dụng một số mẹo nhỏ sau:

Hành tây. Đặt một lát hành tây vào vết loét và giữ yên trong khoảng15 phút. Nghe có vẻ kỳ lạ, nhưng biện pháp này thực sự mang lại hiệu quả. Tuy có cảm giác khó chịu, đau nhói lúc đầu, nhưng sau đó hành tây không chỉ giúp ngăn chặn cơn đau mà còn có thể chữa lành vết thương nhanh hơn. Sau 15 phút, lấy miếng hành ra và súc miệng. Thực hiện mẹo nhỏ này mỗi ngày cho đến khi vết thương lành.

Sữa chua. Sữa chua được làm từ sữa lên men, nó có thể giúp khôi phục lại các vi khuẩn lành mạnh trong đường ruột. Khi vi khuẩn “tốt” trong ruột được tăng cường có nghĩa các vi khuẩn lành mạnh trong miệng cũng được khôi phục theo, bởi việc mất cân bằng vi khuẩn trong khoang miệng là một trong những nguyên nhân gây ra lở loét. Nhiều người tin rằng ăn sữa chua mỗi ngày giúp miệng tránh khỏi sự tấn công của những vết loét.

Làm thuốc tê để xịt. Khi cảm thấy không thể chịu được nỗi đau do vết lở gây ra, có thể tự làm thuốc xịt để giải cứu. Lấy một bình xịt nhỏ, trộn 2 muỗng canh dầu ô liu cùng với 8 giọt tinh dầu bạch đàn và 10 giọt tinh dầu bạc hà. Lắc đều, sau đó phun trực tiếp vào chỗ đau, cơn đau sẽ giảm tức thì.

Nha đam. Nha đam thực sự mang lại hiệu quả trong việc làm giảm sự đau đớn, khó chịu. Lấy một lá nha đam, lột vỏ, chỉ dùng phần gel bên trong, sau đó trộn 1 muỗng cà phê gel nha đam với một muỗng cà phê nước rồi thoa nhẹ lên chỗ sưng. Làm 3 lần mỗi ngày để mang lại hiệu quả tối đa.

 

Nha đam hiệu quả trong việc làm giảm sự đau đớn, khó chịu
Nha đam hiệu quả trong việc làm giảm sự đau đớn, khó chịu


Túi trà lọc. Trà có chứa hợp chất có thể làm giảm viêm và có tính sát trùng rất mạnh. Lấy một túi trà lọc ngâm vào nước nóng, chờ nguội bớt, lấy ra áp vào vết loét trong khoảng 5-10 phút. Làm 2 lần mỗi ngày có thể giúp vết thương mau lành đồng thời hạ bớt cơn đau.

Dầu đinh hương. Dầu đinh hương được xem là một loại thuốc có tác dụng giảm đau tuyệt vời và được nhiều nha sĩ sử dụng để ngăn chặn các cơn đau trong miệng. Theo Naturalon, dầu đinh hương rất tốt trong việc làm giảm đau miệng, cho dù đó là đau răng, mọc răng, hoặc nhiệt miệng.

Đầu tiên súc miệng bằng nước ấm để miệng sạch sẽ. Sau đó, trộn một muỗng cà phê dầu ô liu với 4-5 giọt tinh dầu đinh hương, dùng miếng bông gòn chấm vào hỗn hợp này rồi đặt miếng bông vào chỗ đau từ 5-10 phút. Cơn đau sẽ thuyên giảm ngay sau đó.

Sáp ong. Nếu vết loét cọ xát vào răng gây đau đớn, để ngăn chặn sự ma sát có thể thực hiện cách làm sau: đun 1 muỗng canh sáp ong với 2 muỗng cà phê dầu dừa cho tan chảy thành một hỗn hợp quyện vào nhau, để nguội vừa đủ rồi lấy đặt vào giữa vết loét và răng, như một miếng đệm để tránh ma sát, ngăn chặn sự kích ứng đau.

Dầu dừa. Dầu dừa có tính kháng khuẩn và chống viêm, do đó nó gần như bảo đảm giúp làm lành vết thương nhanh chóng. Đơn giản chỉ cần thoa một lượng nhỏ dầu dừa trực tiếp lên chỗ đau mỗi ngày 2-3 lần.


Mật ong. Phủ một lớp mật ong nguyên chất lên vết loét cũng có tác dụng giảm đau rõ rệt. Mật ong có tính kháng khuẩn và chống viêm nên khá hoàn hảo trong việc chữa bệnh lở miệng. Tốt nhất thoa mật ong vào chỗ loét trước khi đi ngủ để nó có nhiều thời gian làm việc hơn.

Mai Thương (theo Thanhnien)

Có thể bạn quan tâm