Cách làm hay trong tuyên truyền chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Buổi đối thoại trực tiếp với chủ đề “Nghe nông dân nói, nói cho nông dân hiểu chính sách bảo hiểm xã hội (BHXH) tự nguyện và bảo hiểm y tế (BHYT) hộ gia đình” vào ngày 15-7 vừa qua do BHXH Gia Lai phối hợp với Hội Nông dân tỉnh tổ chức tại UBND xã Biển Hồ (TP. Pleiku) đã thu hút 120 hội viên Hội Nông dân xã Biển Hồ tham dự. Tại đây, các đại biểu được giải đáp nhiều vấn đề xung quanh chính sách BHXH tự nguyện và BHYT hộ gia đình.

Hầu hết nông dân tham gia buổi đối thoại đều chưa tham gia BHXH tự nguyện và một số chưa tham gia BHYT. Nhiều người trong số này rất muốn tham gia BHYT, BHXH tự nguyện nhưng do không nắm rõ các quy định nên ngại chưa tham gia. Chính vì vậy, họ đến với mục đích tìm hiểu thêm thông tin về lĩnh vực này. Và buổi đối thoại như cầu nối giữa nông dân và cơ quan BHXH tỉnh. Tại đây, người dân nêu thắc mắc, cơ quan BHXH trả lời trên tinh thần cởi mở, thẳng thắn.

Nghe nông dân nói

 

Ảnh: Như Nguyện
Ảnh: Như Nguyện

Tại buổi đối thoại, bà Vũ Thị Hồng Chinh (thôn Đồng Bằng, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) nêu câu hỏi: Tôi có người quen trước đây làm công nhân tại Khu Công nghiệp Trà Đa nhưng đã nghỉ việc từ đầu năm 2015. Khi còn làm công nhân, chị có thẻ BHYT hạn đến tháng 8-2015 nhưng khi nghỉ việc cơ quan cũ đã thu lại thẻ BHYT. Nay muốn mua lại BHYT theo hộ gia đình (nhà có 2 khẩu) thì cần làm gì? Cũng liên quan về vấn đề tham gia BHYT hộ gia đình, ông Mai Đức (thôn 3, xã Biển Hồ, TP. Pleiku) hỏi: Nhà tôi có 6 người, 3 người con đã đi học ở tỉnh khác chỉ còn 3 người. Nếu mua BHYT hộ gia đình thì phải mua cho cả 6 người hay chỉ mua cho 3 người ở nhà?

Bên cạnh đó, một số khó khăn, vướng mắc trong vấn đề khám-chữa bệnh BHYT; thiếu thuốc; thái độ thăm khám của các y-bác sĩ tại các cơ sở khám-chữa bệnh; nhu cầu được đổi nơi khám chữa bệnh BHYT ban đầu cũng đã được nông dân quan tâm đặt câu hỏi. Tất cả vướng mắc của người dân đã được ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai đích thân trả lời hoặc chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn của cơ quan BHXH tỉnh trả lời rõ ràng, cụ thể cũng như có những hướng dẫn chi tiết cho người dân.

Nói cho nông dân hiểu

Trả lời những thủ tục, quy định và những vướng mắc của nông dân trong việc tham gia BHYT theo hộ gia đình, ông Trần Ngọc Tuấn-Trưởng phòng thu, BHXH tỉnh nhấn mạnh: Trường hợp người lao động nghỉ việc và cơ quan thu lại thẻ BHYT thì thẻ BHYT đó đã không còn giá trị sử dụng tại thời điểm nghỉ việc. Như vậy, người dân có thể tiếp tục mua lại BHYT. Với hộ gia đình chỉ có 2 mẹ con thì làm thủ tục mua BHYT cho 2 người. Theo đó, người thứ nhất mua với giá 621.000 đồng/thẻ, người thứ hai mua bằng 70% so với mức giá của người thứ nhất. Về việc gia đình có 6 khẩu nhưng 3 người đã đi học ở tỉnh khác thì kê khai 3 người đi học vào diện tạm vắng chỉ mua BHYT cho 3 người còn lại mà thôi.

Về việc chuyển đổi nơi khám-chữa bệnh BHYT ban đầu, cơ quan BHXH hướng dẫn như sau: Người dân nếu muốn chuyển đổi nơi khám-chữa bệnh ban đầu thì vào tháng đầu quý (tháng 1, tháng 4, tháng 7 và tháng 10) đến BHXH các huyện, thị xã, thành phố để được hướng dẫn các thủ tục cụ thể.

Một trong những vấn đề được nhiều người quan tâm đặt câu hỏi đó chính là việc khám-chữa bệnh, thuốc bảo hiểm y tế. Ông Lê Hà Thành (thôn 4, xã Biển Hồ) phản ánh: Thái độ của một số y-bác sĩ chưa tốt trong khám-chữa bệnh BHYT. Sau khi khám bệnh được cấp thuốc hầu hết là các loại thuốc rẻ tiền còn lại các loại thuốc đắt tiền phải mua ở ngoài. Bên cạnh đó, nhiều lúc khám bệnh xong không có thuốc phải về không…

Trả lời những thắc mắc xung quanh vấn đề khám-chữa bệnh, cơ quan BHXH tỉnh cho biết: Sẽ ghi nhận, tiếp thu các ý kiến phản ánh của người dân báo lại Sở Y tế đồng thời sẽ sắp xếp buổi làm việc với ngành Y tế về vấn đề này để có những giải pháp tốt nhất nhằm phục vụ, đáp ứng nhu cầu khám-chữa bệnh tốt hơn đối với người dân. Về vấn đề thuốc, nếu nghi ngờ, người bệnh có thể giữ lại đơn thuốc và đem đến Phòng Giám định BHYT-BHXH tỉnh kiểm tra. Nếu loại thuốc nào có trong danh mục BHYT mà cơ sở khám-chữa bệnh không cấp bắt người bệnh đi mua ngoài thì cơ quan BHXH tỉnh sẽ có những chấn chỉnh, xử lý kịp thời, đảm bảo quyền lợi cho người tham gia BHYT.

Nhiều nông dân cho biết họ rất muốn tham gia BHXH tự nguyện nhưng thu nhập thấp thì liệu có tham gia được hay không. Vấn đề này cũng được cơ quan BHXH giải thích. Nếu muốn tham gia BHXH tự nguyện nông dân có thể chọn mức đóng phù hợp với thu nhập của mình và đến cơ quan BHXH để được tư vấn, hướng dẫn những thủ tục cụ thể…

Ông Đoàn Ngô-Phó Giám đốc BHXH Gia Lai cho biết: Đối với nông dân, thu nhập thường bấp bênh, không ổn định nên việc tham gia BHXH tự nguyện, BHYT là việc cần thiết. Khi tham gia BHXH tự nguyện, nông dân sẽ được hưởng lương hưu góp phần bảo đảm cuộc sống khi về già và đồng thời được chăm sóc sức khỏe, chia sẻ tài chính nếu chẳng may ốm đau, bệnh tật. Việc tổ chức buổi đối thoại trên sẽ giúp các hội viên Hội Nông dân có điều kiện được tiếp cận các chính sách, pháp luật về BHXH tự nguyện, BHYT một cách thuận lợi và đồng thời tuyên truyền, vận động người dân tích cực tham gia BHXH tự nguyện, BHYT.   

Như Nguyện

Có thể bạn quan tâm