Sức khỏe

Y dược cổ truyền

Cách ngủ này khiến ung thư dễ mắc và khó trị

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Các nhà khoa học Mỹ phát hiện rằng cách ngủ tiêu cực của một người có thể làm phá vỡ hàng phòng vệ tự nhiên của cơ thể trước ung thư, khiến bệnh hung dữ hơn và thuốc kém tác dụng.
Công trình của Đại học Pennsylvania (Mỹ) đã chứng minh hàng loạt quá trình trong cơ thể có thể bị đảo lộn bởi giấc ngủ đêm thiếu chất lượng và tiếp tay cho bệnh ung thư. Đó là những giấc ngủ bắt đầu quá muộn hay kiểu ngủ gián đoạn, thức dậy một hoặc nhiều lần giữa đêm ví dụ như những người trực đêm thay phiên nhau ngủ những giấc ngắn.
Thức khuya, ngủ gián đoạn, không ngon giấc kéo dài có thể tác động tiêu cực lên cơ chế phòng vệ của cơ thể đối với bệnh ung thư - ảnh minh họa từ internet
Đầu tiên, nhóm nghiên cứu do giáo sư – tiến sĩ Amita Sehgal, chuyên gia khoa học thần kinh và các cộng sự phát hiện việc phá vỡ nhịp sinh học thúc đẩy giấc ngủ sẽ "bật" một số gene độc hại có tác động khuyến khích các tế bào ung thư nhân lên và "tắt" một số gene thuộc hàng phòng vệ tự nhiên của cơ thể, vốn giúp ngăn chặn sự phát triển của khác khối u.
Tiếp theo, giấc ngủ đêm không chất lượng còn ảnh hưởng đến "hormone ngủ" melatonin. Bình thường, nhịp sinh học của cơ thể sẽ thích nghi theo ánh sáng và bóng tối từ môi trường tự nhiên, khiến melatonin tăng dần khi mặt trời lặn và đến một lúc nào đó sẽ đủ khiến chúng ta buồn ngủ. Thế nhưng, các thiết bị di động, đèn công suất lớn, làm việc trái giờ giấc, cố gắng thức khuya… làm ảnh hưởng đến quá trình tăng tiết melatonin. Trong khi đó, melatonin lại là chất có đặc tính chống ung thư.
Nhóm nghiên cứu còn phát hiện một phản ứng domino khác ở người thiếu ngủ: sự gián đoạn giấc ngủ tác động lên 1 gene, gene này kích hoạt một "protein chìa khóa" có tác dụng giải phóng một protein kích thích phân chia tế bào ung thư.
Họ đã thử nghiệm một loại thuốc mang tên PD-0332991 nhằm ngăn chặn hoạt động của protein kích thích phân chia tế bào trong chuỗi domino nói trên. Tuy nhiên thuốc này cũng mất đi một phần sức mạch khi thử nghiệm trên các con chuột bị rối loạn nhịp sinh học mãn tính – tương tự những người đã sống khá lâu trong tình trạng "cú đêm".
Những phát hiện trên phù hợp với một số nghiên cứu dạng thống kê trước đó về bệnh ung thư, ví dụ như một công trình từng cho thấy phụ nữ làm việc cao đêm có nguy cơ ung thư vú cao hơn 5-20% so với tỉ lệ trung bình trong dân số.
Tuy các kết quả nói trên có vẻ đáng buồn, nhưng theo nhóm nghiên cứu, việc hiểu rõ hơn về tác động của giấc ngủ ở cấp độ tế bào cho thấy chúng ta có thể tận dụng chính giấc ngủ trong các chiến lược giảm thiểu nguy cơ ung thư và hỗ trợ điều trị ung thư. Nếu thiếu ngủ mang lại những tác động tiêu cực nói trên thì ngủ ngon, ngủ đủ cũng có thể giúp cơ thể gia tăng sức mạnh phòng vệ, tăng cường hiệu quả cho thuốc trị ung thư.
A. Thư (EurekAlert, Daily Mail, nld)

Có thể bạn quan tâm