Cải cách hành chính để thu hút đầu tư

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Quyết liệt cải cách hành chính, công khai minh bạch, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính ở cơ quan công quyền nhằm tạo sự hài lòng cho người dân và doanh nghiệp để góp phần thu hút đầu tư trên địa bàn tỉnh là quyết tâm của các ngành, các cấp và đã đem lại hiệu quả thiết thực trong năm “kết nối đầu tư” 2017.

Khai thông vướng mắc trong quản lý

Khai thông những vướng mắc, tạo môi trường thông thoáng là yêu cầu chính đáng của doanh nghiệp và công dân về dịch vụ hành chính công. Do đó, thời gian qua, UBND tỉnh đặc biệt chú trọng tháo gỡ vướng mắc nhằm thu hút đầu tư vào địa bàn tỉnh. Một trong những nhiệm vụ là xây dựng và áp dụng Hệ thống quản lý chất lượng (HTQLCL) theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008 vào hoạt động của các cơ quan hành chính.

 

Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: T.N
Giao dịch tại Kho bạc Nhà nước tỉnh. Ảnh: T.N

Đến nay, 53/53 cơ quan, đơn vị cấp tỉnh và cấp huyện đã công bố HTQLCL theo Tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2008; 201 đơn vị cấp xã cũng đã xây dựng HTQLCL. Ông Lưu Trung Nghĩa-Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, cho biết: “Việc áp dụng  HTQLCL theo tiêu chuẩn quốc gia đã giúp cán bộ, công chức giải quyết công việc thông suốt, kịp thời và hiệu quả, đơn giản hóa quy trình và giảm các tác động tiêu cực khi giải quyết các thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đến giao dịch. Đây là điều đáng mừng mà tỉnh ta đã nỗ lực đạt được”.

Song song với tăng cường công tác quản lý, UBND tỉnh đã chỉ đạo các ngành chủ động bố trí nguồn nhân lực và vật lực tại “bộ phận một cửa điện tử”,  đẩy mạnh rà soát, thanh tra, kiểm tra làm rõ trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, đơn vị nếu để xảy ra những yếu kém trong cải cách hành chính cũng như không công khai xin lỗi công dân, tổ chức khi để xảy ra thiếu sót tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả. Trong năm 2017, UBND tỉnh đã giao Sở Nội vụ chủ trì cùng một số sở, ngành tiến hành rà soát việc thực hiện các thủ tục, kiểm tra công tác cải cách hành chính, trong đó đặt mục tiêu rà soát các quy định thủ tục hành chính thuộc các lĩnh vực mà dư luận bức xúc như: đăng ký kinh doanh, đầu tư, xây dựng, đất đai… “Đặc biệt, lần đầu tiên Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ động làm biên bản ghi nhớ với nhiều sở, ngành cam kết nếu hồ sơ đầu tư của doanh nghiệp đầy đủ mà liên quan cơ quan nào thì phải đảm bảo giải quyết xong trong thời gian sớm nhất so với luật định. Việc này được UBND tỉnh theo dõi chặt chẽ”-Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết.

Bên cạnh đó, UBND tỉnh cũng đã thành lập Ban Chỉ đạo thực hiện đề án tổng thể đơn giản hóa thủ tục hành chính; quyết định công bố danh mục thủ tục hành chính tiếp nhận hồ sơ, trả kết quả giải quyết qua dịch vụ bưu chính công ích; kế hoạch thực hiện nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh của tỉnh trong năm 2017, định hướng đến năm 2020; thường xuyên hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp cũng như triển khai thành lập quỹ hỗ trợ doanh nghiệp trong quá trình khởi nghiệp…

Tăng cường công khai, minh bạch

Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cho biết, năm 2017 được xác định là năm “kết nối đầu tư”. Điều đó không có nghĩa là năm 2017 chúng ta mới công khai, minh bạch hóa thủ tục hành chính và các thông tin quản lý nhà nước. Từ nhiều năm trước, lãnh đạo tỉnh đã đặc biệt quan tâm đến công tác cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh nhằm thúc đẩy quy mô, thu hút nguồn lực để phát triển kinh tế của địa phương.

 

Ảnh: T.N
Ảnh: T.N

Trong năm 2017, trên tinh thần Nghị quyết 01/NQ-CP ngày 1-1-2017 và Nghị quyết 19-2017/NQ-CP ngày 6-2-2017 của Chính phủ, lãnh đạo tỉnh tiếp tục chú trọng công tác cải thiện môi trường kinh doanh (nâng cao hiệu quả quản lý, phòng-chống tham nhũng...), nhất là trong lĩnh vực đầu tư và xác định đây là khâu đột phá. Trên cơ sở đó, Tỉnh ủy đã chỉ đạo và UBND tỉnh trực tiếp tổ chức các buổi gặp mặt, đối thoại giữa lãnh đạo các cấp với cộng đồng doanh nghiệp để lắng nghe những ý kiến, tâm tư nguyện vọng của doanh nghiệp. Từ đó, chỉ đạo các ngành, địa phương thực hiện các giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp về đất đai, thuế, đăng ký kinh doanh, tiếp cận điện năng...
 

Năm 2017, toàn tỉnh có 610 doanh nghiệp thành lập mới với tổng vốn đăng ký 3.387 tỷ đồng, nâng tổng số doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh lên 4.031; có 45 dự án được UBND tỉnh cấp quyết định chủ trương đầu tư, đang triển khai các bước thủ tục đầu tư với tổng vốn đăng ký 23.800 tỷ đồng.

Đồng thời, Tỉnh ủy và UBND tỉnh đã chỉ đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh cải cách hành chính, đề cao vai trò, trách nhiệm của cấp ủy và người đứng đầu cơ quan đối với công tác cải cách hành chính; tăng cường xử lý nghiêm những hành vi vi phạm. Nhờ đó, đến nay, thời gian thành lập doanh nghiệp chỉ còn 1,56 ngày so với quy định 3 ngày; cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư 1 ngày so với quy định 5 ngày; giải quyết thủ tục hành chính về đầu tư thuộc thẩm quyền UBND tỉnh 21 ngày so với quy định 35 ngày; 100% đơn vị thực hiện nộp thuế điện tử; triển khai và vận hành hệ thống cấp mã số doanh nghiệp tự động; kết nối mạng sang các cơ quan Hải quan, Kho bạc, Tài chính thông suốt. Tuy nhiên, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hồ Phước Thành cũng thừa nhận: “Bên cạnh những thuận lợi sẵn có như: tiềm năng lớn, giao thông thuận lợi và chưa có cạnh tranh nhiều giữa các doanh nghiệp... tỉnh vẫn còn khó khăn trong thu hút đầu tư do không có đường thủy, lực lượng lao động chất lượng cao còn hiếm, nguồn nguyên liệu phụ cận phải chở từ nơi khác...”.

Nhìn chung, tỉnh ta đã tiến tới xây dựng nền hành chính hiện đại, thể chế hóa các quy định lề lối, phương pháp làm việc nhằm cải thiện môi trường đầu tư. Những cam kết rõ ràng, cụ thể của tỉnh đã tạo niềm tin đối với các nhà đầu tư. Ông Hồ Phước Thành khẳng định: “Chính quyền đã từng bước tạo mức độ hài lòng và thân thiện với yêu cầu phục vụ nhân dân; nêu cao tinh thần trách nhiệm, đạo đức công vụ của người cán bộ, công chức, viên chức trong tình hình mới”.

Lê Văn Nhung

Có thể bạn quan tâm