Thời sự - Bình luận

Cải cách tiền lương để xây dựng nền công vụ vì dân

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
(GLO)- Việc thực hiện cải cách tổng thể chính sách tiền lương từ ngày 1-7-2024 đã thu hút sự quan tâm của toàn xã hội.

Đây không chỉ là sự chia sẻ của Chính phủ với người làm công ăn lương, trong đó có hàng triệu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong bối cảnh đất nước còn nhiều khó khăn, mà quan trọng hơn còn nhằm xây dựng một hệ thống tiền lương công bằng, hợp lý, khuyến khích sự nỗ lực, sáng tạo của người lao động, để họ được hưởng mức lương phù hợp với hiệu quả công việc và góp phần xây dựng một nền công vụ vì dân.

Hai năm sau đại dịch Covid-19, kinh tế đất nước đã bắt đầu phục hồi. Tăng trưởng GDP năm 2023 hơn 5%, tuy chưa đạt kỳ vọng nhưng vẫn là mức tăng trưởng cao so với nhiều nước khác. Tuy nhiên, khó khăn trước mắt vẫn còn nhiều khi chuỗi cung ứng bị đứt gãy, một số thị trường xuất khẩu bị thu hẹp, đơn hàng thiếu, người lao động mất việc làm… Đây là thách thức lớn cho việc thực hiện các mục tiêu tăng trưởng trong năm 2024 và những năm tới.

Trong bối cảnh đó, việc dành ra 560.000 tỷ đồng để cải cách tiền lương từ ngày 1-7-2024 là nỗ lực rất lớn của Chính phủ nhằm cụ thể hóa Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21-5-2018 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII về cải cách tổng thể chính sách tiền lương, sau mấy lần lỡ hẹn. Mặc dù trước đó, mức lương cơ sở đã được điều chỉnh từ 1.390.000 đồng/tháng lên mức 1.800.000 đồng/tháng (tăng thêm 29,5%) cũng khắc phục một phần khó khăn cho người làm công ăn lương.

Theo nghị quyết của Quốc hội, khi tiến hành cải cách toàn diện chính sách tiền lương từ ngày 1-7 năm nay, tiền lương của cán bộ, công chức, viên chức tăng khoảng 30%. Cùng với đó, lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội, trợ cấp hàng tháng, trợ cấp ưu đãi người có công và một số chính sách an sinh xã hội gắn với lương cơ sở cũng được Quốc hội thông qua. Điều đó càng làm cho chủ trương cải cách tiền lương lần này thêm nhiều ý nghĩa, cho thấy chủ trương nhất quán của Đảng, Nhà nước ta là phát triển đất nước luôn thực hiện song song với công bằng xã hội, không để ai bị bỏ lại phía sau.

Các chuyên gia cho rằng, với nhiều thay đổi mang tính đột phá, lần cải cách chính sách tiền lương này sẽ khắc phục được những hạn chế, bất cập của chính sách tiền lương trước đây tính theo hệ số, tạo ra cú hích trong cải cách hành chính thông qua việc xây dựng một hệ thống tiền lương công bằng, hợp lý, khuyến khích nỗ lực sáng tạo của người lao động, để họ được thụ hưởng chế độ tiền lương phù hợp với năng lực, trình độ và hiệu quả công việc đã làm.

Việc quy định cơ cấu tiền lương cơ bản 70% và phụ cấp 30% sẽ đảm bảo đúng với bản chất nguồn thu nhập của người làm công ăn lương, khắc phục tình trạng phụ cấp cao hơn lương chính như nhiều nơi đang áp dụng. Đặc biệt, chính sách tiền lương mới cũng dành 10% của quỹ lương để khen thưởng, động viên kịp thời cho những người có thành tích cao, cống hiến nhiều cho công việc chung.

Vì thế, cải cách tiền lương lần này không chỉ đơn thuần là tăng lương mà là cải cách chính sách tiền lương theo vị trí việc làm, chức vụ và chức danh lãnh đạo với một mức lương cụ thể, rõ ràng. Qua đó, khuyến khích sự sáng tạo và cống hiến nhiều hơn cho đất nước của người lao động, trong đó có đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhằm xây dựng nền công vụ vì dân, vì doanh nghiệp.

Đầu tư cho con người là đầu tư cho phát triển. Quan điểm nhất quán ấy luôn được Đảng, Nhà nước ta khẳng định trong quá trình hoạch định chủ trương, đường lối xây dựng và phát triển đất nước, để tất cả mọi người đều được thụ hưởng thành quả của sự nghiệp đổi mới mà chính họ đã đóng góp một phần. Thật vậy, ý nghĩa của những thành tích về tăng trưởng, tiến bộ xã hội sẽ giảm đi phần nào nếu cuộc sống của người dân không được cải thiện, người làm công ăn lương còn mãi chật vật trong nỗi lo cơm áo gạo tiền.

Vì vậy, để việc thực hiện cải cách tiền lương hiệu quả và bền vững, tạo động lực cho công chức, viên chức, người lao động hăng say làm việc, tăng năng suất lao động, đóng góp xứng đáng cho sự nghiệp phát triển đất nước cần thực hiện đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp. Không chỉ chú trọng phát triển kinh tế, tăng thu, tiết kiệm chi mà còn phải tiếp tục sắp xếp bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả, loại khỏi bộ máy những công chức, viên chức làng nhàng “sáng cắp ô đi tối cắp về”; xây dựng nền công vụ tận tâm, tận lực phục vụ Nhân dân và không sách nhiễu.

Có thể bạn quan tâm