Phong trào thi đua trong giáo dục tự nó không tạo nên bệnh. Chỉ khi nào động cơ của sự thi đua bị bóp méo, lợi ích nhóm, bóp chết sự sáng tạo, thiếu công bằng, tạo đất sống cho dối trá thì mới trở thành bệnh.
Cha mẹ, thầy cô giáo đều muốn học sinh (HS), con em của chúng ta là những người học giỏi, yêu bản thân, gia đình, sẵn sàng phục vụ cộng đồng trong điều kiện và năng lực của họ. Thi đua là tạo động lực cho con người thể hiện năng lực và phẩm chất của mình, thi đua trong giáo dục cũng vậy. Trường học phấn đấu để có nhiều HS giỏi, xuất sắc là mong muốn chính đáng. Nhưng khi có một/những HS tìm mọi cách để có điểm số cao không bắt nguồn từ năng lực thực thụ thì “thành tích” mà các em đạt được là ảo, giả dối. Giỏi bằng mọi cách, kể cả làm giả dối để lấy thành tích là điều đáng lên án.
Khi một giáo viên vì muốn chiều lòng phụ huynh, muốn được khen thưởng mà xin giáo viên khác trong trường nâng điểm cho HS mình, cho điểm “rộng” để nhiều HS đạt loại giỏi, xuất sắc thì đích thực cái thành tích ấy là ảo, là mầm mống của “bệnh thành tích” phải được lên án và loại ra khỏi nhà trường.
Không phải chỉ mấy ngày nay khi phụ huynh một trường học tại thủ đô bàn tán với nhau rằng họ được giáo viên chủ nhiệm “vận động” không cho con em là HS yếu thi lớp 10 vào các trường công lập thì cả xã hội mới lên án, Bộ GD-ĐT, Sở GD-ĐT Hà Nội mới bắt tay vào thanh tra để giải quyết. Cách đây nhiều năm, khi mà người ta lấy kết quả kỳ thi lớp 9 để xét vào các trường THPT công lập, hiện tượng này cũng đã xảy ra. Trước kỳ thi tốt nghiệp THPT, chúng ta cũng từng được nghe có trường đã không cho các HS có kết quả học tập kém đi thi để giữ “thành tích” cho nhà trường…
Những hiện tượng vừa nêu đã làm cho phụ huynh than phiền, xã hội phản ứng nhưng quan trọng hơn là làm cho HS trở nên sợ việc học, ghét đến trường, xã hội nghi ngờ sản phẩm giáo dục. Cái lợi thành tích chưa thấy đâu nhưng nỗi đau của học trò là thật - đó là điều không được tha thứ trong xã hội.
Chính vì vậy, mong muốn của HS, thầy cô giáo, phụ huynh và xã hội, trường học phải là môi trường thực dạy, thực học, kết quả thực.
Nhà trường luôn phải là nơi HS, phụ huynh và xã hội tin tưởng. Đừng vì những quy định do chúng ta đặt ra mà làm khổ HS giống như chuyện mới đây thầy hiệu phó một trường học ở Cà Mau yêu cầu HS của mình ra khỏi lớp để ăn hết phần ăn mà các em mang vào lớp học vì điều này đã bị “cấm”. Rồi để không biết vô tình hay không hiểu biết, thầy đã bắt 2 HS nhặt và ăn hết phần ăn các em vừa ném vào thùng rác!
Phải kiên quyết ngăn chặn nạn “thành tích” trong giáo dục. Giáo dục hơn bất cứ ngành nào cần phải trung thực, các thành tích nếu có phải bắt nguồn từ việc học thật của trò, dạy thật của thầy, kiểm tra đánh giá công bằng, trung thực.
Xin đừng tạo ra những cuộc thi tốn kém và quá sức HS, xin đừng tạo ra những thầy cô giáo cắm mặt kiếm tìm thành tích rồi tạo nên thành tích ảo và áp lực cho cả HS và chính mình. Cái giá phải trả cho bệnh thành tích này lớn hơn rất nhiều, đó là sự xuống cấp của lòng tin, là đưa vào cuộc sống nguồn nhân lực khiếm khuyết.
Theo Nhà giáo ưu tú Nguyễn Kim Hồng (TNO)