(GLO)- Những năm gần đây, tình hình tội phạm ma túy diễn biến phức tạp, đối tượng nghiện ma túy ngày càng trẻ hóa và tỷ lệ người tái nghiện chiếm đến 90%. Thực tế này đã đặt ra không ít thách thức trong công tác phòng-chống ma túy, cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh Gia Lai.
Theo thống kê của cơ quan chức năng, tính đến cuối năm 2019, toàn tỉnh có 1.059 người nghiện ma túy, trong đó có 637 người đang cai nghiện tại gia đình và cộng đồng. Điều đáng quan ngại là tỷ lệ nữ liên quan đến ma túy có xu hướng tăng, chiếm 7,74%, tăng 0,76% so với cuối năm 2018; đối tượng nghiện ma túy trong độ tuổi thanh-thiếu niên tuy có giảm nhưng vẫn chiếm 58,82% số người nghiện.
Học viên tại Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh học nghề điện dân dụng. Ảnh: Đ.Y |
Lý giải nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ tái nghiện sau cai nghiện còn cao, ông Nguyễn Đình Sơn-Giám đốc Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh-phân tích: “Vẫn còn nhiều người trong xã hội có cái nhìn kỳ thị, phân biệt với người nghiện ma túy. Hơn nữa, sau khi cai nghiện trở về địa phương, người nghiện ma túy rất khó xin được việc làm dẫn đến chán nản, vô công rồi nghề và bị bạn bè lôi kéo dẫn đến tái nghiện. Ngoài ra, chính sách hỗ trợ tái hòa nhập cộng đồng cho người sau cai nghiện chưa có”.
Bà Rcom Sa Duyên-Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội cũng thẳng thắn nhìn nhận: Việc phối hợp quản lý giáo dục sau cai nghiện tại địa phương hiệu quả chưa cao. Công tác tạo việc làm để người sau cai nghiện có thu nhập, ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng còn nhiều bất cập. Việc cai nghiện ma túy tại gia đình và cộng đồng chưa triển khai được do thiếu nhân lực, cơ sở vật chất cũng chưa đáp ứng nhu cầu. Hệ thống chính trị ở cơ sở một số nơi chưa phát huy hết vai trò trách nhiệm trong công tác tham mưu, quan tâm, giúp đỡ tạo việc làm cho người nghiện tái hòa nhập với cộng đồng.
Để công tác phòng-chống và tổ chức cai nghiện ma túy trên địa bàn tỉnh phát huy hiệu quả, thời gian qua, các huyện, thị xã, thành phố đã thành lập ban chỉ đạo phòng-chống tội phạm, tệ nạn xã hội. Công tác tuyên truyền thường xuyên được đẩy mạnh. Đối với một số xã trọng điểm về ma túy, tổ công tác cai nghiện ma túy được thành lập. Cơ sở điều trị cai nghiện miễn phí bằng thuốc Methadone tại Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh đã tích cực điều trị cho các đối tượng nghiện nhằm giảm số lượng người nhiễm HIV mới. Ông Bá Tường Đăng Phong-Phó Giám đốc Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh-chia sẻ: “Hầu hết bệnh nhân đến cơ sở điều trị đúng liều lượng bằng thuốc Methadone thì sau 6 tháng đều có sự cải thiện về sức khỏe, ổn định về tâm lý, tăng cân và không còn nguy cơ trầm cảm”.
Cùng với đó, các ngành: Công an, Lao động-Thương binh và Xã hội, Tòa án cũng tăng cường phối hợp trong việc lập hồ sơ đưa người nghiện vào Cơ sở Tư vấn và Cai nghiện ma túy tỉnh để cai nghiện bắt buộc. Khi vào các cơ sở này, người nghiện được sàng lọc, phân loại theo mức độ nghiện và loại ma túy sử dụng, tình trạng sức khỏe... để cắt cơn cai nghiện từ 15 đến 30 ngày. Sau khi cắt cơn, người nghiện được chuyển sang giai đoạn cai nghiện. Hàng ngày, họ được tư vấn, phổ biến, hướng dẫn thực hiện các quy định pháp luật, nội quy, sử dụng các loại thuốc hỗ trợ phù hợp, được tư vấn tâm lý, tham gia các hoạt động thể thao để rèn luyện bản thân. Ông Nguyễn Đình Sơn cho hay: “Đưa người nghiện vào cơ sở cai nghiện tập trung sẽ góp phần hạn chế, ngăn ngừa các hành vi vi phạm pháp luật mà họ có thể gây ra. Hơn nữa, khi cai nghiện tập trung tại cơ sở, họ không chỉ được chữa trị mà còn được học nghề để làm lại cuộc đời”.
Phó Giám đốc Sở Lao động-Thương binh và Xã hội Rcom Sa Duyên nhận định, sự chung tay của các ngành, đoàn thể, địa phương đã từng bước giúp người sau cai nghiện tái hòa nhập cộng đồng. Vấn đề đặt ra là để công tác cai nghiện ma túy thời gian tới thực sự đạt hiệu quả thì rất cần tình thương, sự chung tay của cộng đồng giúp người nghiện gạt bỏ mặc cảm, tự ti để làm lại cuộc đời. Bên cạnh đó, sự nỗ lực, ý chí, quyết tâm của bản thân người nghiện cũng là yếu tố quyết định.
ĐINH YẾN