(GLO)- Các hội nghị gặp gỡ doanh nghiệp trong và ngoài nước, Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 và hội nghị chuyên đề về cải cách thủ tục hành chính, hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp... do Chính phủ, Quốc hội tổ chức trong tuần qua đã ghi nhận nhiều ý kiến đề xuất hết sức tâm huyết của các chuyên gia, nhà quản lý về quyết tâm cải cách thể chế, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tạo điều kiện thuận lợi nhất cho doanh nghiệp phát triển. Bởi lẽ, sự phát triển của doanh nghiệp chính là sự phát triển của đất nước.
Với 149.500 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và quay trở lại hoạt động trong 8 tháng năm 2022 (tăng hơn 31% so với cùng kỳ năm ngoái), trong đó, số doanh nghiệp quay trở lại hoạt động tăng gần 50%, là những tín hiệu tích cực của quá trình phục hồi, phát triển kinh tế sau đại dịch. Kết quả đó cho thấy công tác điều hành với các chính sách linh hoạt, kịp thời của Chính phủ đã phát huy hiệu quả, tạo niềm tin cũng như cơ hội cho cộng đồng doanh nghiệp.
Thống kê của Văn phòng Chính phủ cho thấy, trong năm 2021 và 8 tháng năm nay, có gần 1.760 quy định liên quan đến hoạt động kinh doanh đã được rà soát, đơn giản hóa, cắt giảm. Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt phương án cắt giảm, đơn giản hóa 1.107 quy định kinh doanh và phương án phân cấp, phân quyền, giải quyết gần 700 thủ tục hành chính của trên 100 lĩnh vực. Qua đó giúp giảm bớt trung gian, rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến người dân và doanh nghiệp.
Một trong những điểm sáng đáng ghi nhận trong Báo cáo Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) năm 2021 được Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam công bố cuối tháng 4 vừa qua là chi phí phi chính thức của doanh nghiệp đã giảm xuống còn 41%. Điều này khẳng định, môi trường kinh doanh của Việt Nam thời gian qua đã có sự cải thiện đáng kể.
Sáng 17-9, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đến Trung tâm Hội nghị Quốc gia Mỹ Đình (Hà Nội) để kiểm tra công tác chuẩn bị tổ chức Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022. Ảnh nguồn TTXVN |
Thế nhưng, báo cáo tại hội nghị chuyên đề về đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính và hiện đại hóa phương thức chỉ đạo, điều hành phục vụ người dân, doanh nghiệp do Thủ tướng Chính phủ chủ trì mới đây cho thấy: Thủ tục hành chính trên nhiều lĩnh vực như đất đai, quản lý tài chính, đầu tư công, lao động, việc làm, y tế, giáo dục, kiểm tra chuyên ngành, xuất-nhập khẩu… vẫn còn nhiều rào cản; vẫn còn tình trạng xử lý hồ sơ chậm; việc gửi, nhận văn bản và xử lý hồ sơ công việc trên môi trường điện tử còn chưa nghiêm; việc cung cấp thông tin, dữ liệu phục vụ chỉ đạo, điều hành tại một số bộ, ngành, địa phương chưa tốt...
Giới phân tích cũng chỉ ra rằng, tình trạng nhiều quy định chồng chéo giữa các luật gây khó khăn cho doanh nghiệp vẫn chưa được giải quyết. Tình trạng mâu thuẫn lợi ích khi cơ quan ban hành điều kiện kinh doanh cũng chính là cơ quan cấp phép nên việc “cài cắm điều kiện” trong quá trình xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật ở rất nhiều ngành nghề vẫn đang tồn tại. Thế nhưng, công tác giám sát việc phát sinh điều kiện kinh doanh mới, “ẩn” trong các văn bản này lại chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến việc cắt giảm ở nhiều nơi vẫn chỉ là giải quyết phần ngọn của thực trạng. Người dân và doanh nghiệp phải tốn thêm thời gian và tiền bạc chỉ vì… thủ tục nhiêu khê.
Vì vậy, các chuyên gia kỳ vọng vào việc thực thi Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 16-9-2022 của Thủ tướng Chính phủ “về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình mới” cũng như khẳng định của người đứng đầu Chính phủ ngày 17-9 tại hội nghị Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài là phải “tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh tốt hơn; đẩy mạnh hơn nữa cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho thu hút đầu tư và sản xuất kinh doanh” sẽ được thực thi với tinh thần quyết tâm cao nhất, hiệu quả nhất.
Cộng đồng doanh nghiệp và người dân cũng kỳ vọng và tin tưởng sau Diễn đàn kinh tế-xã hội Việt Nam 2022 tổ chức ngày 18-9 với nhiều tham luận, góp ý thẳng thắn, trực diện từ các chuyên gia, doanh nghiệp, nhà quản lý trong nước và quốc tế tại các phiên thảo luận chuyên đề tập trung vào yêu cầu “đẩy mạnh cải cách thể chế”, “thúc đẩy việc thực hiện các chính sách hỗ trợ doanh nghiệp”… Quốc hội và Chính phủ sẽ thực sự quyết tâm trong việc thực thi các giải pháp nhằm góp phần củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô, thúc đẩy quá trình phục hồi và phát triển bền vững nền kinh tế đất nước.
ĐÌNH CƯƠNG