Cấm hay không cấm?

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Từ sự việc nhiều học sinh trên địa bàn TP. Pleiku thông qua mạng xã hội (MXH) Facebook tụ tập “nghịch dại”; hay trường hợp một số học sinh trường huyện đi xe máy sai luật bị Cảnh sát Giao thông xử phạt đã lập tức lên mạng lăng mạ lực lượng chức năng đến việc nói xấu thầy-cô giáo xảy ra trong thời gian qua đã đặt ra vấn đề cho những nhà quản lý giáo dục: Làm thế nào để quản lý việc sử dụng MXH trong môi trường học đường?

Tụ tập “nghịch dại”, nói xấu thầy cô

Tháng 4-2015, một số học sinh trường THPT, THCS trên địa bàn TP. Pleiku lập nhóm trên Facebook, nhiều lần hẹn nhau qua mạng tụ tập, đi xe máy dùng các túi nilon đựng nước ném vào nhau gây mất an ninh trật tự trên một số tuyến đường trung tâm. Đến khi lực lượng chức năng vào cuộc mới dẹp được trò “nghịch dại” này của các em. Cũng trong năm 2015, một số học sinh huyện Phú Thiện đi xe gắn máy khi chưa đủ tuổi đã bị lực lượng Cảnh sát Giao thông xử phạt. Lập tức những học sinh này lên Facebook chửi bới với những lời lẽ phản cảm. Đáng nói là, sự việc này nhận được rất nhiều lượt “like” (yêu thích) của bạn bè.

 

Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Không dừng lại ở đó, nhiều học sinh còn dùng MXH để nói xấu thầy cô, bạn bè với những lời lẽ thiếu văn hóa và thái độ hằn học. Một giáo viên ở Trường THPT Huỳnh Thúc Kháng (huyện Ia Grai) kể, cách đây vài năm, trường đã mạnh tay kỷ luật một nữ sinh nói xấu Phó Hiệu trưởng nhà trường trên Facebook bằng hình thức cảnh cáo trước toàn trường. Sau sự việc này, trường đã nhắc nhở, chấn chỉnh việc sử dụng MXH đối với học sinh nhưng tình trạng nói xấu thầy-cô giáo thỉnh thoảng vẫn diễn ra. Giáo viên này cho hay: “Học sinh sẵn sàng lên Facebook nói xấu thầy cô chỉ vì những lý do rất đơn giản, thậm chí ngay cả khi thầy cô đúng mười mươi. Chỉ cần kiểm tra bài cũ em không học bài, giáo viên cho điểm 0 cũng khiến học sinh lên mạng buông những lời hằn học. Hay các em nói chuyện riêng, gây gổ đánh nhau bị thầy cô nhắc nhở cũng lên MXH nói về thầy cô với những lời lẽ rất khó nghe”. Hiện tượng học sinh lên mạng xã hội nói xấu, xúc phạm, hạ thấp uy tín của thầy cô cũng không phải hiếm gặp ở nhiều trường học.

Chia sẻ về vấn đề này, Nguyễn Văn Lâm-sinh viên Khoa Tiểu học, Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai bày tỏ quan điểm: “Việc học sinh hay sinh viên tụ tập để bày trò gây mất an ninh trật tự là hành động phản cảm, phản giáo dục. Còn lên mạng nói xấu thầy cô-những người trực tiếp dạy dỗ mình càng là hành động không thể chấp nhận được, đi ngược truyền thống “Tôn sư trọng đạo”. Rất may từ trước tới nay sinh viên trường tôi không có hành động này, nếu có, trước tiên mọi người xung quanh sẽ đánh giá ý thức của các bạn ấy, còn đúng sai thế nào hậu xét. Bởi có rất nhiều cách để bày tỏ quan điểm, ý kiến với thầy cô nếu mình thấy họ chưa đúng”.

“Không nên cấm, nhưng cần định hướng”

Nhiều ý kiến cho rằng, nói xấu thầy cô trên Facebook là một hình thức vi phạm đạo đức, lối sống. Đáng nói là những dòng trạng thái này thường nhận được rất nhiều lượt like của học sinh. Tuy nhiên quan điểm của anh Hà Trung Sơn-Trưởng phòng Công tác Học sinh-Sinh viên (Trường Cao đẳng Sư phạm Gia Lai) là không cấm được các em sử dụng MXH và cũng không nên cấm. Anh Sơn nêu ý kiến: “Chúng ta không thể cấm được các em bày tỏ quan điểm, thái độ trên MXH, nhưng cần giáo dục để các em hiểu đúng tác dụng và tác hại của nó để sử dụng đúng mục đích, lành mạnh. Hơn nữa, cần tạo cho học sinh-sinh viên môi trường học tập tin cậy, thân thiện để các em có sự thoải mái trong tư tưởng, hạn chế xảy ra tình trạng này. Riêng trường chúng tôi luôn nhắc nhở việc sử dụng MXH đến toàn thể sinh viên trong tuần sinh hoạt công dân tổ chức hàng năm. Nhà trường cũng tổ chức đối thoại với sinh viên để kịp thời giải quyết những thắc mắc trong sinh hoạt, học tập. Đặc biệt, Hiệu trưởng nhà trường còn cung cấp số điện thoại di động để sinh viên có thể gọi điện trực tiếp đến người đứng đầu phản ánh các hiện tượng tiêu cực, những khúc mắc giữa thầy và trò… Các giải pháp này đã tạo cho sinh viên tinh thần thoải mái trong môi trường học tập. Vì vậy, từ trước tới nay ở trường chưa xảy ra việc sinh viên thông qua MXH nói xấu, xúc phạm thầy cô. Nếu có hiện tượng này, nhà trường sẽ xử lý thật nghiêm”.

“Quản lý tốt, xử lý nghiêm” cũng là ý kiến chung của những nhà quản lý giáo dục đối với tình trạng học sinh-sinh viên dùng MXH một cách tiêu cực. Ngay sau các vụ việc kể trên, Sở Giáo dục-Đào tạo đã có văn bản chỉ đạo đến các trường THPT, Phòng Giáo dục-Đào tạo các huyện, thị xã, thành phố nhằm kịp thời giáo dục, chấn chỉnh tình trạng vi phạm của học sinh, trong đó có nội dung yêu cầu các trường quán triệt, nhắc nhở học sinh “không tham gia vào các hội/nhóm có các hoạt động không lành mạnh trên MXH”. Dù Sở không có hướng dẫn cụ thể hình thức xử lý nhưng tùy vào mức độ vi phạm của học sinh để các trường có biện pháp xử lý phù hợp.

Hoàng Ngọc

Có thể bạn quan tâm