Theo Quyết định số 1315 của TT Chính phủ phê duyệt kế hoạch thực hiện Công ước khung về kiểm soát thuốc lá, từ ngày 1-1-2010, ở lớp học, nhà trẻ, cơ sở y tế, thư viện, rạp chiếu phim, các khu vực sản xuất, nơi làm việc trong nhà, nơi có nguy cơ cháy nổ cao và các phương tiện giao thông... đều bị cấm hút thuốc lá tuyệt đối, kể cả không được làm khu vực riêng để hút thuốc.
Còn tại các nơi công cộng trong nhà (nhà thi đấu thể thao, sân vận động có mái che, trung tâm triển lãm, phòng đợi nhà ga, bến xe, sân bay, bến cảng), khu vực vui chơi giải trí trong nhà, các nhà hàng, quán bar, karaoke, khách sạn, vũ trường chỉ được phép hút thuốc tại khu vực riêng. Khu vực này lại phải có thông khí riêng biệt. Tại nơi cấm hút thuốc lá phải treo biển có chữ hoặc biểu tượng “Cấm hút thuốc lá”.
Quyết định thể hiện tính nghiêm minh như vậy nhưng gần 3 tháng thực hiện, việc cấm hút thuốc lá chưa đem lại tác dụng. Vì sao vậy? Do thói quen hút thuốc lá đã trở nên “thâm căn cố đế” trong một bộ phận không nhỏ người dân nước ta. Mà đã là thói quen, ở đây là thói quen xấu thì cũng trở nên bình thường trong con mắt của nhiều người. Thứ nữa, mặc dù có tuyên truyền, khuyến cáo tác hại của thuốc lá nhưng xem ra công tác này vẫn chưa tác động mạnh mẽ, trực tiếp đến từng đối tượng và cộng đồng, đủ sức làm lung lay, tiến đến thay đổi suy nghĩ và hành vi. Bên cạnh đó, việc tăng cường kiểm tra, xử lý các hành vi kinh doanh, mua bán, tàng trữ thuốc lá ngoại nhập lậu của ngành chức năng còn lỏng lẻo. Một số môi trường nhạy cảm như giáo dục, y tế,... vẫn tràn ngập khói thuốc.
Cụ thể hóa Quyết định của Chính phủ, nhiều nơi quy định việc xử lý khá nghiêm khắc, trường hợp vi phạm thì bị phạt tiền, “đánh” vào kết quả thi đua hàng năm đối với cán bộ, công chức. Tuy nhiên cho đến nay, tại Gia Lai chưa hề có một báo cáo cho thấy cơ quan, đơn vị nào vi phạm, đã xử phạt những ai, mức độ như thế nào, với hình thức gì. Từ khi có quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng, nhiều lãnh đạo, thủ trưởng cơ quan, đơn vị có nhắc nhở, yêu cầu cán bộ, công nhân viên (CB, CNV) nhưng việc làm này không thường xuyên, thậm chí xem nhẹ, buông lỏng, thành ra khói thuốc vẫn còn, thậm chí “lan tỏa” ngay trong cuộc họp.
Theo chúng tôi, để hạn chế tiến đến ngăn chặn tình trạng vi phạm hút thuốc lá nơi công cộng, trước tiên vẫn phải tăng cường công tác tuyên truyền. Hình thức cần phong phú, phương pháp chú trọng cách tác động trực quan, trực tiếp mạnh mẽ đến đối tượng một cách thường xuyên. Nội dung tuyên truyền cần tập trung vào tác hại của thuốc lá và việc xử lý vi phạm. Cao hơn là mau chóng hình thành dư luận xã hội rộng lớn đủ sức áp đảo, răn đe thói quen hút thuốc. Làm sao để người vi phạm, người nghiện thuốc lá cảm thấy xa lạ, thấp kém trong con mắt mọi người, cảm thấy đáng bị chê trách, để rồi kiên quyết đoạn tuyệt với thuốc lá.
Tăng cường kiểm tra xử lý nghiêm hành vi vi phạm là cách ngành chức năng cần nhanh chóng triển khai thực hiện. Kiểm tra bất kỳ lúc nào, ở đâu và bất cứ ai, nếu phát hiện vi phạm thì kiên quyết xử lý và thông báo tên, tuổi người vi phạm, cơ quan vi phạm cũng như hình thức xử lý, mức độ xử lý về cơ quan và trên các phương tiện truyền thông đại chúng cho mọi người cùng biết, để có ý thức phòng tránh. Yêu cầu của UBND tỉnh về việc xử phạt, “đánh” vào thi đua hàng năm của CB, CNV vi phạm phải được thực thi nhanh chóng và triệt để, không chừa một ai, bất cứ trường hợp nào. Qua kiểm tra xử lý vi phạm thì hàng tuần, hàng tháng cũng biểu dương, khen ngợi những cơ quan, đơn vị hưởng ứng thực hiện quyết định của Chính phủ, quy định của UBND tỉnh bằng những cách làm hay, hiệu quả.
Lãnh đạo cơ quan, đơn vị phải là người gương mẫu chấp hành quy định cấm hút thuốc lá nơi công cộng. Lãnh đạo nghiêm thì CB, CNV dưới quyền tất yếu phải nghiêm. Vi phạm thì xử lý, không xuề xòa, khoan nhượng. Làm từ trong nhà làm ra, từ trong cơ quan, công sở làm ra, có như vậy quy định cấm hút thuốc lá trong cơ quan, đơn vị, hay ở nơi công cộng mới được thực thi nghiêm túc.
Thất Sơn