Thời sự - Bình luận

Cám ơn những người ngày đêm vất vả đưa cháu Hạo Nam về từ lòng đất

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
Rạng sáng 20.1, lực lượng cứu hộ tại công trình thi công cầu kênh Rọc Sen, tỉnh Đồng Tháp đã đưa được thi thể bé Hạo Nam ra khỏi ống trụ bê tông.
Hiện trường giải cứu cháu Thái Lý Hạo Nam. Ảnh: Thành Nhơn

Hiện trường giải cứu cháu Thái Lý Hạo Nam. Ảnh: Thành Nhơn

Vậy là sau gần 20 ngày, cháu Thái Lý Hạo Nam cũng được đưa lên khỏi mặt đất. Những người lao động tham gia tìm kiếm trực tiếp rất trách nhiệm, hết lòng hết sức. Các kỹ sư, chuyên gia phải thay đổi nhiều phương án cứu hộ, để tìm ra cách tốt nhất đưa thi thể cháu bé ra khỏi ống trụ bê tông.

Ngày 31.12.2022, cháu Thái Lý Hạo Nam rơi vào ống trụ bê tông.

Ngày 1.1, chốt phương án khoan cọc xung quanh trụ bê tông. Tiếp theo là lồng ống thép bao quanh trụ bê tông. Ngày 5.1, thay đổi phương án, dự kiến thực hiện tháo các khớp nối, lần lượt đưa 3 đoạn ống lên. Tiếp theo là phương án mở rộng miệng hố, lấp dòng kênh bên cạnh. Ngày 8.1, tính phương án nhổ cọc qua 11 bước, dự kiến thực hiện trong một tuần. Đến ngày 16.1, đưa lên được đoạn trụ đầu tiên dài 12 mét.

Ba ngày tiếp theo, lực lượng cứu hộ chạy nước rút, thực hiện những công đoạn cuối cùng để đưa thi thể cháu Hạo Nam lên.

Còn nhớ, mẹ cháu từng nói, "nằm dưới đó lạnh lắm". Ai cũng chia sẻ được nỗi niềm đó của người mẹ, cho nên bằng mọi giá phải đưa thi thể cháu lên được.

Thêm một điều nữa, những người tham gia cứu hộ quyết tâm đưa Hạo Nam về trước Tết để đem đến niềm an ủi cho gia đình cháu.

Trả lời trên báo chí, ông Lê Hoàng Bảo - Giám đốc Sở Giao thông vận tải tỉnh Đồng Tháp - cho biết: "Chúng tôi đang cố gắng nhổ ống bê tông trước Tết. Có thể thực hiện chậm nhưng phải đặt việc bảo đảm an toàn là trên hết". Lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp và các lực lượng cứu hộ đã thực hiện đúng lời hứa.

Một lần nữa xin chia buồn cùng gia đình cháu Thái Lý Hạo Nam, nhưng từ vụ này, cần rút ra những bài học không chỉ cho riêng Đồng Tháp.

Trước hết là đảm bảo các quy định về đảm bảo an toàn ở các công trình xây dựng. Đã có nhiều vụ trẻ em, kể cả người lớn bỏ mạng vì rơi hố, điện giật..., nhưng những bài "an toàn" sao học mãi vẫn chưa thuộc.

Thứ hai là cần tổng kết, phân tích vụ cứu hộ cháu Thái Lý Hạo Nam, để đưa ra các kết luận khách quan, khoa học, làm bài học kinh nghiệm cho công tác cứu hộ cứu nạn các vụ tai nạn tương tự.

Cuối cùng là câu chuyện trách nhiệm của gia đình. Không ai bảo vệ con cái bằng chính cha mẹ. Mỗi gia đình cần quản lý con cái thời gian đến trường, học tập, vui chơi, để tránh tối đa những rủi ro, tai nạn.

Có thể bạn quan tâm