Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

Cảm thức làng...

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News
Có những nỗi niềm lắng sâu tâm tưởng rồi một ngày chợt lay thức, trong tôi luôn hiển hiện bóng dáng của một dòng sông, một con đường, một mái nhà thơ ấu cùng thênh thang ký ức vui buồn, đầy vơi theo tuổi tác. Ấy là quê, là làng với biết bao hoài cảm thương nhớ bền sâu...
Vậy nên, mỗi lần về lại thăm nhà, bất giác trong tôi dậy lên khúc hát nao lòng: “Quá nửa đời phiêu dạt/ Con lại về úp mặt vào sông quê/ Ơi con sông dạt dào như lòng mẹ/ Chở che con qua chớp bể mưa nguồn...”. Khúc hát ấy neo vào thăm thẳm ưu tư, vừa như một sự trải lòng với quê hương, lại như chút ngậm ngùi của đứa con tha phương khi về lại nơi chôn rau cắt rốn.
Những kỷ niệm ấu thơ bỗng ùa về, đong đầy luyến nhớ. Nhớ về một tuổi thơ khó nhọc mà trong vắt kỷ niệm, được cất giữ, cưu mang suốt cuộc đời. Nhớ những trận đòn roi của mẹ cha vì mải chơi, trốn học; những trò nghịch dại lấm lem bùn đất, nắng cháy tóc khi lê la ngụp lặn giữa trưa hè tắm sông, bắt cá; nhớ cả những lần cùng đám bạn rủ nhau hái trộm trái ổi, trái bưởi mới vừa bói quả của hàng xóm, rồi bị rầy la... Mùi quê, vị quê ấy cứ trộn lẫn vào hình ảnh vai áo bạc sờn mưa nắng, bàn chân nhuốm màu phèn mặn, sần chai của mẹ cha.
Ở phố, đâu đó người thành thị thường có câu nói cửa miệng “người nhà quê” như một sự phân biệt. Thật lạ, tôi không hề thấy giận mà trái lại tự hào vì mình được làm người nhà quê. Tôi mến yêu, trân quý nghĩa tình thơm thảo, đậm đà rất... nhà quê ấy. Người làng quý trọng lắm tiếng gọi, câu chào mỗi khi gặp nhau, nhất là mỗi bận đi xa về. Lối ứng xử chất phác, thân tình đã trở thành nếp sống được truyền đời, đơn giản mà ấm áp, đôi khi chỉ là con cá câu được san sẻ cho hàng xóm trong bữa cơm chiều; là í ới gọi mời nhau ly trà, chén nước, mặc dù nước thì nhà ai chẳng có.
Ở quê tôi, người làng thường mời nhau bát nước chè xanh mỗi sáng tối hay khi đồng trưa nghỉ chân sau buổi cày mệt mỏi như cái cớ để hỏi thăm nhau, chia sẻ cùng nhau những câu chuyện thường ngày nhiều khi không đầu không cuối. Bởi vậy, nên lỡ có va chạm, xích mích chăng nữa cũng dễ dàng bỏ qua cho nhau. Đám giỗ hay hiếu hỉ của nhà này cũng trở thành trách nhiệm của nhà khác, cùng xắn tay đỡ đần nhau bằng thói quen ứng xử ngàn đời “bán anh em xa, mua láng giềng gần”.

Minh họa: Trà My
Minh họa: Trà My
Chẳng thế mà, có nhiều cụ ông cụ bà, thi thoảng khăn gói quả mướp ra phố thăm con cháu được ít hôm đã nằng nặc đòi về chỉ vì nhớ nhà, nhớ xóm giềng, lo lắng cho đàn gà, đàn lợn, cây trái vườn nhà không ai trông nom.
Có người biền biệt xa quê đến nỗi khi về chẳng còn ai thân thích, ký ức đã mòn hao hết thảy mà cuối đời vẫn đau đáu tâm niệm quay về để ký thác thân xác vào đất quê. Có người lang bạt suốt dặm dài đua chen phố thị, một ngày bỗng đánh đổi tất cả để về lại với làng, những mong tìm lại những an vui giản đơn bên tình làng nghĩa xóm, được ở trong ngôi nhà ấu thơ của mình chăm lo hương khói cho mẹ cha, tiên tổ.
Còn người ở phố, mỗi khi nhận được túi nhỏ túi to quà quê thơm thảo bố mẹ gửi lên, mặc dù phố xá không hề thiếu những thức quê ấy, lại rưng rưng cảm động, xốn xang như được sống giữa quê nhà, vơi đi bao nỗi nhớ thương gia đình, người thân. Thậm chí, có người mỗi lần về lại quê nhà, còn mang theo cả những giống cây, nắm đất lên phố gieo vào khu vườn của mình như một cách để nhắc nhớ về nguồn cội...
Ngày nay, hầu khắp các làng quê đều đã đổi thay diện mạo, nhiều ngôi nhà khang trang được mọc lên, đường làng được bê tông hóa, người quê đã cởi bỏ được phần nào gánh nặng mưu sinh song nghĩa tình thì vẫn vẹn nguyên như vậy. Nếp quê, thói làng hãy còn bền chặt trong lối sống, trong phép ứng xử thảo thơm, mộc mạc. Chẳng thế mà, những người con sinh ra từ làng dù lang bạt góc bể chân trời, ai ai cũng đau đáu thương về, cũng muốn tìm về...
Ngô Thế Lâm (baodaklak.vn)

Có thể bạn quan tâm