Thời sự - Bình luận

Camera và ý thức

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Mặc cho xe cứu hỏa liên tục phát loa, hụ còi ưu tiên để kịp đi chữa cháy ở một cơ sở gần đó, người đàn ông lái chiếc xe Lexus 4 chỗ phía trước vẫn không chịu nhường đường.
 



Câu chuyện xảy ra ở TP Vinh, tỉnh Nghệ An trưa 4-10 và sau đó người đàn ông bị phạt 2,5 triệu đồng, treo bằng lái xe 2 tháng.

Còn ở TP HCM, giờ cao điểm, cảnh thường gặp là những chiếc xe cứu thương hụ còi nhưng nhiều khi đi rất chậm vì đường kẹt cứng. Có người tự giác nhích dần vào phía lề đường để nhường, nhưng có người cứ trơ lì ra, mặc cho tài xế xe cứu thương xoay trở. Trên những chiếc xe đó, bao nhiêu trường hợp đang nguy kịch, cần cấp cứu kịp thời để đem lại cho họ sự sống? Tại sao con người lại hẹp bụng với nhau, không tuân thủ các quy định luật pháp về cứu người, không tuân thủ luật lệ giao thông?

Những ngày qua, dư luận TP HCM cũng nóng lên sau chuyện cô giáo ở một lớp 2 Trường Tiểu học Phan Chu Trinh, quận Tân Phú đã có hành vi bạo hành nhiều học sinh (HS). Vụ việc chỉ bị phát hiện sau khi các em có những biểu hiện lo âu, sợ hãi, cha mẹ gặng hỏi và sau đó lén đặt máy quay, thu được những hình ảnh cô giáo đánh, phạt, la mắng các HS. Bên cạnh việc đề nghị ngành giáo dục TP HCM xử lý nghiêm trường hợp này, nhiều ý kiến đề nghị nên lắp đặt camera ở các trường tiểu học để giám sát việc dạy và học ở trường.

Nhiều ý kiến tán đồng, song cũng có ý kiến cho rằng không nên vì e ngại làm phân tâm giáo viên trong giảng dạy, họ sẽ mất đi sự tự nhiên, tự chủ. Tất cả những ý kiến đó đều không sai, bởi trường hợp cô giáo trên là cá biệt - nhưng xét cho cùng, cũng như câu chuyện ngáng đường xe cứu thương, cứu hỏa, điều quan trọng là ý thức của người trong cuộc.

Khi tham gia giao thông trên đường, cần nhất vẫn là tính thiện lương, tự giác chấp hành pháp luật trong mỗi con người. Người được thụ hưởng nền giáo dục tốt sẽ biết cách đặt lợi ích cộng đồng lên cao, tuân thủ các nguyên tắc của đời sống, nhất là những việc liên quan tới an nguy, an toàn của người khác (như xe cứu hỏa, cứu thương). Không cần camera, số đông thầy cô giáo vẫn sẽ lao động sáng tạo trong từng tiết học và vẫn luôn là cô giáo, bảo mẫu chu đáo, tận tâm yêu thương chăm sóc học trò.

Nói gắn camera sẽ gây thêm áp lực, chỉ đúng trong một số trường hợp và là yếu tố để tham khảo, song nếu trường mầm non, nhà trẻ lắp được thì trường tiểu học cũng nên lắp để cả nhà trường và phụ huynh cùng giám sát. Không phải cái gì cũng đều có khởi đầu suôn sẻ, chưa quen, sẽ quen và khi quen dần sẽ thấy dễ chịu. Tất nhiên sự cảnh báo vẫn là cần thiết, chẳng hạn tấm bảng ghi rõ đoạn đường (hay khu vực dân cư) này có lắp camera cũng để cho người chạy xe cẩn thận hơn, người dân an tâm hơn, kẻ xấu không dám làm bậy. Ngày nay, tại các trung tâm thương mại, người dân đi vui chơi, mua sắm cũng quen với rất nhiều camera đang hoạt động và cư xử tự nhiên, bởi hiểu đó là sự cần thiết cho an ninh, an toàn của xã hội, trong đó có bản thân mình.

Điều quan trọng để xã hội phát triển là nâng cao dân trí, mọi công dân đều có ý thức tự giác tuân thủ luật pháp, tự kiểm soát hành vi ứng xử của mình.

 

HIỀN MINH (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm