Thời sự - Bình luận

Cán bộ nghiện ma túy thì còn gì để nói!

Theo dõi Báo Gia Lai trênGoogle News

Hai chủ tịch phường của TP Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng bị bắt quả tang đang sử dụng ma túy. Thông tin quá "sốc" đối với dư luận.

Bất ngờ bởi ở độ tuổi 40, công ăn việc làm ổn định mà lại dính vào nghiện ngập. Bất ngờ hơn nữa vì họ là công chức, người quản lý xã hội cấp cơ sở, được học hành, đào tạo tưởng chừng rất bài bản.

Ma túy là hiểm họa xã hội không chừa một ai quả là không sai, kể cả những người có trách nhiệm ngăn ngừa ma túy. Từ vụ việc trên, chúng ta càng thấy "ma chưởng" của ma túy bành trướng cỡ nào, nguy hiểm cỡ nào và hạ gục bất kể ai không đủ bản lĩnh để giữ mình.

Còn nhớ trong buổi thảo luận về dự án Luật Phòng, chống ma túy tại cuộc họp Quốc hội vào tháng 11-2020, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm nêu rõ: "Hiện nay, người nghiện ma tuý rất đa dạng, từ cán bộ, trí thức đến thanh niên, thậm chí trẻ em". Từ thực tế này, yêu cầu công tác phòng, chống buôn bán, sử dụng ma túy càng cao, đòi hỏi các lực lượng càng phải nỗ lực. Không chỉ các thành phố lớn, ma túy ngày nay đã len lỏi khắp nơi từ thành thị đến nông thôn. Nó có mặt ở các phòng karaoke, khách sạn sang trọng cho đến từng con hẻm nhỏ, từng xóm làng để hủy hoại khủng khiếp thể chất và tinh thần của một bộ phận thanh niên. Việc cán bộ xài ma túy thật ra cũng không bất ngờ, nó chỉ cho thấy sự kém hiệu quả của việc ngăn ngừa hiểm họa này đi vào dân chúng.  

Nhưng đó là khía cạnh xã hội, còn góc độ cá nhân thì không thể dựa vào ai, dựa vào lực lượng nào để phòng vệ cho bản thân. Tự mỗi người phải trang bị cho mình kiến thức để vượt qua sự hấp dẫn của ma túy. Mỗi người tự biết nói không với chất gây nghiện. Mỗi thanh niên bình thường cũng phải làm việc này chứ nói gì đến cán bộ, công chức nhà nước.

Cũng thật khó hiểu cho 2 trường hợp chủ tịch phường ở Đà Lạt. Ở chiếc ghế quản lý địa phương của một thành phố thuộc diện đông khách du lịch nhất nước nhưng các cơ quan cấp trên đã không có sự chọn lọc kỹ càng, không có chương trình thử thách, đào tạo hiệu quả. Nghiện ngập là phải trải qua quá trình chứ không thể ngày một ngày hai lậm vào chất kích thích. Mà chính cơ quan chức năng TP Đà Lạt cũng nói rõ một trong hai người đã nghiện từ lâu. Vậy thì quy trình đề bạt, bổ nhiệm, lấy ý kiến của các cơ quan chức năng ra sao mà một người nghiện có thể ngồi vào ghế chủ tịch phường đơn giản thế. Trong sinh hoạt, họp hành, làm việc thường ngày lại chẳng có ai nghi ngờ, phát hiện...? Trách nhiệm này liên đới với nhiều cơ quan địa phương và biểu thị sự yếu kém của cấp lãnh đạo trực tiếp.

Xã, phường là cấp quản lý thấp nhất trong cơ cấu quản trị xã hội, nhưng cấp này cũng rất quan trọng trong việc đưa những chính sách xã hội vào thực tế và phản ánh được hiệu quả công việc đối với đời sống phổ biến của người dân nhất. Tuy vậy, không ít nơi đã xem nhẹ việc gầy dựng, đề bạt cán bộ cấp xã, phường nên thực tế xảy ra không ít trường hợp thiếu chuẩn, thiếu năng lực, gian lận bằng cấp, biển thủ tiền của dân và thậm chí… nghiện ngập như ở Đà Lạt.

Cán bộ quản lý mà nghiện thì còn gì mà ngăn chặn ma túy xâm nhập địa phương, ma túy tấn công vào thanh niên, học sinh trên địa bàn. Không khéo cán bộ này còn rành cả việc ai bán ma túy cho mình sử dụng nữa là đằng khác. Cán bộ hỏng cần loại ngay chứ không thì người dân sẽ thất vọng và đánh giá cả bộ máy quản lý địa phương.

Từ vụ này cũng nên thường xuyên kiểm tra, xét nghiệm công chức về ma túy. Chẳng may có người nghiện nào luồn lách lên càng cao thì hậu quả khó lường. Không lấy một, hai trường hợp để quy kết nhưng một, hai trường hợp cũng đủ cảnh báo một thực trạng đang diễn ra.  

Người bình thường nghiện ma tuý đã là một mối lo cho gia đình và xã hội thì cán bộ, công chức nghiện ma tuý còn nguy hiểm hơn rất nhiều!

Theo Phạm Hồ (NLĐO)

Có thể bạn quan tâm