Thời sự - Bình luận

Cần cải tiến, đổi mới họp hành, thảo luận

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Người viết đã chuẩn bị và bài viết này càng thúc giục ra đời khi hồi đầu tháng, tại kỳ họp thứ 4 Quốc hội khóa XV, một đại biểu đã thẳng thắn phê bình lối họp hành hình thức, cứng nhắc, thảo luận buồn tẻ, nhàm chán vì cầm giấy đọc ê a.

Phát biểu tại nghị trường, đại biểu Lê Thanh Vân-Ủy viên Thường trực Ủy ban Tài chính-Ngân sách của Quốc hội-cho rằng thảo luận là phương thức hoạt động quan trọng của Quốc hội. Nhưng theo đại biểu Lê Thanh Vân, tình trạng thảo luận cầm giấy đọc ê a thì người dân sẽ chán và rất nhàm.

 Minh họa: DAD
Minh họa: DAD



Cũng theo đại biểu Lê Thanh Vân: “Thảo luận của chúng ta hiện nay phần lớn là tham luận, một lối mòn cũ xưa của quá trình phát triển nghị viện ở nước ta. Chúng ta gọi là thảo luận nhưng mà đến lúc vào thảo luận thì mỗi người lấy tờ giấy đọc một hướng khác nhau. Ở nghị trường chỉ có tranh luận để sáng tỏ các quyết định lập pháp, nhưng phiên thảo luận, nhất là kinh tế-xã hội thì mỗi người đi một hướng”.

Đây cũng là lý do không chỉ đại biểu Lê Thanh Vân mà Quốc hội và các cơ quan, đơn vị, các cấp, các ngành cũng phải nằm lòng để thay đổi phương thức hoạt động, phương thức thảo luận. Theo ý kiến của ông Vân, có 2 hình thức thảo luận gồm tại tổ đại biểu và đoàn đại biểu Quốc hội. Việc làm này là sự cần thiết để sàng lọc, thống nhất lựa chọn vấn đề để vào thảo luận toàn thể tại hội trường, Quốc hội chỉ tập trung vào những vấn đề mấu chốt hay có ý kiến khác nhau. Ông Vân cũng đồng thời nêu ra 3 cái lợi của việc thảo luận “đúng nghĩa”: giúp minh bạch và rạch ròi những vấn đề đã thống nhất ở tổ đại biểu, đoàn đại biểu, đến hội trường chỉ thảo luận và tranh luận, thống nhất vấn đề lớn hơn, phức tạp hơn; giúp nâng cao trình độ, khả năng tranh biện, hùng biện của đại biểu Quốc hội; giúp làm cho chất lượng quyết định của Quốc hội hợp lý và vững chắc hơn.

Thảo luận là một phương thức hoạt động của tập thể. Các hội nghị, cuộc họp phải có phần trao đổi, thảo luận, bàn bạc, thậm chí tranh luận, thể hiện rõ thái độ đúng-sai, nên hay không nên, trước khi kết luận một vấn đề gì. Do đó, nó cần thiết và nên duy trì đúng với thực chất và ý nghĩa. Nhưng họp hành, thảo luận mang tính chất đối phó, “đến hẹn lại lên”, thiếu nghiêm túc, thiếu đổi mới sáng tạo, chỉ chiểu theo quy định, nguyên tắc cứng nhắc lại trở thành vô bổ, phản tác dụng, cao hơn là lãng phí thời gian, tiền của, công sức của người tham dự.

Thiết nghĩ, chúng ta hoạt động theo cơ chế và nguyên tắc: tập thể lãnh đạo, tập thể quyết định, thiểu số phục tùng đa số, cá nhân phụ trách, cấp dưới phục tùng cấp trên, không được vi phạm quy chế dân chủ… Ràng buộc rất nghiêm, rất rõ nhưng thực tế nhiều hội nghị, họp hành không phát huy tác dụng. Đối với những nội dung thông tin chỉ cần thông báo thì thông báo ngắn gọn; những vấn đề quan trọng liên quan đến sinh mệnh chính trị của một ai đó hay họp hành-thảo luận để “ra cơm ra gạo”, “ra tiền ra của” thì mất nhiều thời gian cũng cần thiết duy trì tổ chức. Trên thực tế, trong 2 năm đại dịch Covid-19 hoành hành, chúng ta đã thích ứng an toàn, linh hoạt, trong đó có vấn đề họp hành thông qua mạng xã hội, điện thoại và nhiều hình thức, phương thức hiệu quả khác.

Còn nhớ, nhà thơ Nga vĩ đại Vladimir Vladimirovich Maiakovsky có bài thơ rất nổi tiếng thể hiện rõ thái độ của mình về tình trạng “loạn họp”. Đó là bài “Những người loạn họp”. Xin trích một đoạn ngõ hầu phục vụ và tìm sự nhất trí nơi bạn đọc: “Kích động quá không tài nào chợp mắt/Trời đã sáng rõ tờ mờ/Tôi đốn ban mai với ước mơ: Ôi ước sao/Được họp thêm một cuộc/Để tìm phương thức thanh toán/Các cuộc họp trên đời”(Hoàng Ngọc Hiến dịch).

 

THẤT SƠN

Có thể bạn quan tâm