"Cần câu" của người nghèo

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Tạo điều kiện cho các hộ nghèo, cận nghèo vay vốn với lãi suất ưu đãi là một trong những cách trao “cần câu” giúp họ vượt qua khó khăn, vươn lên trong cuộc sống. Điều này đã được Phòng Giao dịch Ngân hàng chính sách xã hội (CSXH) thị xã An Khê triển khai tích cực và có hiệu quả trên địa bàn trong nhiều năm qua.

Cơ hội thoát nghèo

Trên những thửa ruộng đang phủ tràn một màu vàng ươm của lúa chín, bà Nguyễn Thị Lắm (thôn 5, xã Thành An, thị xã An Khê) đang cùng các thành viên trong gia đình nhanh tay thu hoạch “thành quả” sau mấy tháng dày công chăm sóc. Gương mặt cả nhà bà ai ai cũng phấn khởi bởi vụ lúa này cho năng suất khá cao so với năm trước.

Quệt vội giọt mồ hôi lăn dài trên má, bà Lắm tâm sự rằng, gia đình bà vốn đã khốn khó lại đông con nên vốn liếng tích góp để làm ăn hầu như không có. Năm 2005, được Hội LHPN xã Thành An đứng ra tín chấp với Ngân hàng CSXH, vợ chồng bà mạnh dạn vay 7 triệu đồng để mua 1 con bò giống sinh sản. Hai năm sau, bò mẹ đã đẻ được 1 bê con. Đến kỳ hạn, bà Lắm bán bớt bò để hoàn trả vốn vay và tiếp tục được Hội LHPN xã xét cho vay thêm đợt 2 với số tiền 12 triệu đồng. Từ số vốn này, bà mua thêm 2 con trâu để nuôi và đầu tư vào trồng mía và la-ghim.

Bà Lắm phấn khởi vì đã thoát nghèo nhờ nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng CSXH. Ảnh: Hồng Thi

Bằng sự tích cực, chịu khó trong lao động và sử dụng hiệu quả nguồn vốn vay, gia đình bà Lắm đã vươn lên thoát nghèo với mức thu nhập hàng năm khoảng 100 triệu đồng. “Nhờ nguồn vốn từ Ngân hàng CSXH mà nhà tôi đã thoát khỏi cảnh nghèo túng, lại còn có ít vốn để cho con cái khi chúng lập gia đình ở riêng. Thật sự mừng lắm. Tháng 6 vừa rồi tôi vừa trả xong cả gốc lẫn lãi số tiền đã vay, giờ chỉ lo cố gắng phát triển kinh tế cho tốt lên nữa thôi”-bà Lắm vui vẻ chia sẻ.

Bên cạnh cơ hội thoát nghèo theo mô hình ủy thác cho vay thông qua các tổ chức chính trị-xã hội, nhiều hộ dân trên địa bàn thị xã An Khê còn được tiếp cận nguồn vốn vay chính sách từ Tổ tiết kiệm và vay vốn. Đây không chỉ là nơi tập hợp hộ nghèo cũng như các đối tượng có nhu cầu vay vốn để sản xuất-kinh doanh, cải thiện đời sống mà còn giúp họ từng bước hình thành thói quen tiết kiệm nhằm tạo lập nguồn vốn tự có và đủ tiền trả nợ vay đến kỳ hạn. Hiện toàn thị xã có 155 Tổ (bình quân 41 thành viên/Tổ) đang hoạt động ở các thôn, làng, tổ dân phố; trung bình mỗi Tổ đang quản lý dư nợ trên 1,1 tỷ đồng, số dư gửi tiết kiệm khoảng 44 triệu đồng.

Bà Trần Thị Thu-Tổ phó Tổ tiết kiệm và vay vốn (Tổ dân phố 8, phường Tây Sơn, thị xã An Khê) cho hay: Hầu hết các hộ nghèo, cận nghèo ở đây đều tiếp cận được với vốn vay ưu đãi của Ngân hàng CSXH, sử dụng vốn vay đúng mục đích, hiệu quả với phát triển sản xuất và chăn nuôi là chủ yếu. Nhiều hộ đã thoát nghèo, xây dựng được nhà cửa khang trang, thậm chí một số hộ còn tích lũy được vốn để đầu tư kinh doanh. Đến nay, dư nợ với Ngân hàng CSXH của Tổ hơn 1,432 tỷ đồng (trong đó, nguồn vốn vay hộ nghèo là 413 triệu đồng, cận nghèo là 233 triệu đồng); riêng tiền gửi tiết kiệm được hơn 163 triệu đồng.

Nỗ lực trao “cần câu”

Chị Trần Thị Thủy Tiên-Phó Giám đốc Phòng Giao dịch Ngân hàng CSXH thị xã An Khê, cho biết: Qua 14 năm hoạt động (2003-2017), thông qua 10 chương trình tín dụng theo từng đối tượng, Phòng Giao dịch đã khai thác tốt nguồn vốn cấp trên phân bổ để đáp ứng kịp thời nhu cầu vốn cho các phương án, dự án sản xuất-kinh doanh của hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách trên địa bàn; góp phần thay đổi bộ mặt nông thôn nói chung và đời sống của một số hộ nghèo nói riêng. Với sự phối hợp tốt của các tổ chức chính trị-xã hội cũng như chính quyền địa phương, đồng vốn của ngân hàng được giải ngân đúng địa chỉ hộ nghèo và được hỗ trợ, tư vấn, giám sát sử dụng đúng mục đích, hiệu quả.

Theo đó, Phòng Giao dịch đã thực hiện giải ngân số tiền 412,793 tỷ đồng, cho hơn 40 ngàn lượt hộ nghèo, cận nghèo và các đối tượng chính sách vay vốn; bình quân mỗi lượt hộ được vay 10,32 triệu đồng. Đến 30-6-2017, tổng dư nợ đạt 172,832 tỷ đồng với 6.314 hộ còn nợ.

Thủ tục vay vốn hộ nghèo ngày càng đơn giản và dễ hiểu hơn. Ảnh: Hồng Thi

Cũng theo chị Tiên, trong quá trình vay vốn ở ngân hàng, hộ nghèo không phải thế chấp tài sản và trả bất kỳ khoản phí, lệ phí nào liên quan đến thủ tục vay vốn. Quy trình cho vay vốn cũng khá đơn giản, dễ hiểu; thủ tục nhận tiền vay và trả nợ gốc được thực hiện tại các điểm giao dịch xã, phường. Nếu hộ vay gặp phải rủi ro khách quan, Ngân hàng sẽ có cơ chế xử lý nợ cho họ.

Nguồn vốn vay được các hộ dân sử dụng để đầu tư vào phát triển sản xuất là chủ yếu, như: trồng mới và chăm sóc cây mía, keo lai, bạch đàn, chăn nuôi trâu-bò sinh sản, bò lấy thịt… Hơn 10 năm qua, toàn thị xã đã có 3.503 hộ thoát nghèo, 2.866 hộ nghèo cải thiện được đời sống và 2.568 hộ chuyển biến nhận thức làm ăn một cách rõ rệt.

Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đáng ghi nhận trên, quá trình đưa đồng vốn vay chính sách đến tận tay người nghèo vẫn còn những hạn chế. Mô hình ủy thác vốn thông qua các tổ chức chính trị-xã hội mặc dù rất hiệu quả song việc thực hiện các điều khoản quy định của một số Hội còn chưa nghiêm túc; công tác kiểm tra, giám sát chưa thực sự được coi trọng. Công tác thu hồi nợ đến hạn, quá hạn cũng gặp không ít khó khăn vì thời gian qua, giá cả các mặt hàng thiết yếu liên tục tăng, cộng với tình hình thời tiết diễn biến bất thường gây tác động bất lợi đến sản xuất, kinh doanh của người dân. Tỷ lệ hộ nghèo, cận nghèo hàng năm trên địa bàn thị xã có chiều hướng giảm là điều đáng mừng, nhưng lại khiến đối tượng cho vay của Ngân hàng ngày càng bị thu hẹp...

“Thời gian đến, chúng tôi sẽ tiếp tục triển khai đồng bộ nhiều giải pháp nhằm đảm bảo 100% hộ nghèo và các đối tượng chính sách có nhu cầu và đủ điều kiện được tiếp cận nguồn vốn ưu đãi; nâng cao quyền chủ động quản lý nguồn vốn tín dụng đến từng thôn, làng, tổ dân phố; nâng mức vốn cho vay bình quân/hộ nhằm đáp ứng đủ nhu cầu vốn cho sản xuất, kinh doanh; tuyên truyền, lồng ghép các chương trình đầu tư khác với nguồn vốn tín dụng nhằm nâng cao hiệu quả vốn vay…”-chị Tiên nói.

Hồng Thi

Có thể bạn quan tâm