Văn hóa

Văn học - Nghệ thuật

"Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên": Tư liệu quý về lịch sử cách mạng

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News
(GLO)- Căn cứ địa cách mạng Khu 10 (nay thuộc xã Krong, huyện Kbang) là trung tâm đầu não của tỉnh Gia Lai trong suốt 20 năm kháng chiến chống Mỹ cứu nước (1955-1975). Tuy Mỹ ngụy thường xuyên tổ chức các cuộc càn quét, đánh phá với quy mô lớn và thủ đoạn thâm hiểm nhưng Căn cứ địa cách mạng Khu 10 vẫn trụ vững trong suốt cuộc kháng chiến chống Mỹ trường kỳ, gian khổ. 
Tại căn cứ chiến lược này, Tỉnh ủy đã đề ra những chủ trương, kịp thời đúng đắn để lãnh đạo quân và dân trong tỉnh đứng lên lập nhiều chiến công xuất sắc cùng với quân dân cả nước làm nên đại thắng mùa xuân năm 1975.
Trong ký ức của nhiều thế hệ cách mạng, Căn cứ địa cách mạng Khu 10 là nơi hội tụ lòng yêu nước nồng nàn, tinh thần đoàn kết vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, hy sinh; là nơi tôi luyện bản lĩnh, ý chí cách mạng; là nơi lan tỏa tình thương yêu đồng chí, đồng đội… trong những năm tháng cả nước chống Mỹ cứu nước. Với thế hệ trẻ nối tiếp, đây là di tích lịch sử-văn hóa rất quan trọng, góp phần giáo dục truyền thống đấu tranh cách mạng của Đảng bộ, quân và dân các dân tộc Gia Lai trong suốt chiều dài lịch sử.
Nhằm ghi lại những sự kiện, tình cảm, ký ức, sự hy sinh, cống hiến của các thế hệ cán bộ, đảng viên và người dân sinh sống, công tác và chiến đấu tại Căn cứ địa cách mạng Khu 10 trong 20 năm kháng chiến chống Mỹ, Ban Thường vụ Tỉnh ủy đã chỉ đạo biên soạn tập sách “Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên”. Sau hơn 1 năm tích cực chuẩn bị với sự tham gia của các đồng chí lão thành cách mạng, các đồng chí lãnh đạo tỉnh qua các thời kỳ, các thế hệ cán bộ, đảng viên từng công tác và chiến đấu tại khu căn cứ cùng với sự góp sức của các nhà báo, văn nghệ sĩ, trí thức và ban biên soạn, “Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên”-tập I đã chính thức ra mắt bạn đọc gần xa.
Bìa sách “Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên”. Ảnh: Duy Lê
Bìa sách “Căn cứ địa cách mạng Khu 10: Những ký ức không quên”. Ảnh: Duy Lê
Với độ dày 360 trang, tập sách được kết cấu thành 3 phần gồm: Giới thiệu tổng quan về Căn cứ địa cách mạng Khu 10; Nhân chứng lịch sử và các sự kiện lịch sử tại Căn cứ địa cách mạng Khu 10; Một số sự kiện tiêu biểu diễn ra tại Căn cứ địa cách mạng Khu 10. Về tổng quan, mỗi phần của tập sách đều mang giá trị lịch sử, song gây ấn tượng với bạn đọc nhất là ký ức của những nhân chứng lịch sử một thời gắn bó với vùng căn cứ địa cách mạng.
Thông qua các tư liệu lịch sử và lời kể của những người trong cuộc, quá trình công tác, sinh hoạt và chiến đấu của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang cũng như người dân vùng căn cứ cách mạng được tái hiện một cách chân thực, sinh động và giàu cảm xúc. Đó là hình ảnh mộc mạc nhưng đậm chất anh hùng của bok Núp và cố Bí thư Tỉnh ủy Trần Văn Bình trong “Chiến khu K10 nhớ về hai người con đặc biệt” của nhà văn Trung Trung Đỉnh. Đó là cuộc đời hoạt động cách mạng đầy hy sinh gian khổ nhưng rất đỗi vẻ vang của các đồng chí nguyên là lãnh đạo tỉnh như: Võ Trung Thành (Năm Vinh), Phạm Chánh, Ksor Ní, Phạm Hồng hay chân dung vị Thiếu tướng toàn tài Kpă Thìn. Tuy đã ở tuổi 90 nhưng nguyên Phó Bí thư Tỉnh ủy Ngô Thành cũng dành cho tập sách những dòng ký ức nóng hổi về một thời hoạt động cách mạng tuy khó khăn, nguy hiểm nhưng tràn đầy lý tưởng, nhiệt huyết cách mạng. Đặc biệt, tập sách cũng dành phần lớn dung lượng để những nhân chứng từ lãnh đạo các ban ngành của tỉnh đến cán bộ văn phòng, y tá, cần vụ… nhắc nhớ về một thời hoạt động trong Căn cứ địa cách mạng Khu 10.
Do lịch sử đã lùi xa, các nhân chứng không còn nhiều và thời gian sưu tầm có hạn nên tập sách vẫn còn một số hạn chế, thiếu sót. Tuy nhiên, theo Phó Trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Tống Thới Mốc-Trưởng ban Biên soạn thì tập sách là tài liệu rất quý về một giai đoạn lịch sử cách mạng hào hùng của tỉnh.
DUY LÊ

Có thể bạn quan tâm