Chỉ cần chủ tài khoản quét căn cước công dân (CCCD) gắn chip qua thiết bị tại cây ATM, hệ thống ngân hàng sẽ kiểm tra, xác thực và đối chiếu thông tin trên thẻ gắn chip.
Sau đó, hệ thống tiếp tục xác thực khuôn mặt và vân tay của khách hàng để phòng ngừa tài khoản giả mạo trước khi công dân thực hiện giao dịch rút tiền.
Đó là chuyện từng xa vời trong suy nghĩ của nhiều người, nay đã là sự thật, dù cơ quan chức năng là Trung tâm Nghiên cứu, Ứng dụng dữ liệu dân cư và CCCD (Bộ Công an) chỉ mới thí điểm ứng dụng tại một số chi nhánh ở Hà Nội và Quảng Ninh, từ ngày 9-5.
Ứng dụng CCCD cho các giao dịch ngân hàng tự động sẽ hỗ trợ nhiều hơn trong các thủ tục hành chính, giảm thiểu nguy cơ giả mạo tài khoản, sai sót khi chuyển hay rút tiền mặt. Đó là những tiện ích mà cơ quan chức năng khẳng định. Những công dân đầu tiên được tham gia thí điểm cũng đều cho nhận xét tốt: Đơn giản, nhanh gọn, yên tâm hơn.
Dù đây chỉ mới là thí điểm, nhưng những lợi ích do CCCD gắn chip mang lại trong giao dịch giữa công dân với ngân hàng là khá rõ. Đó cũng chính là một trong những ví dụ về lợi ích to lớn mà công nghệ số mang lại cho thời đại cho chúng ta. Vì những lợi ích to lớn ấy mà việc đẩy mạnh chuyển đổi số là việc rất nhiều quốc gia trên thế giới đang quyết liệt thực hiện và đã đem lại những thành công nhất định, như ở Mỹ, Nhật Bản, Hàn Quốc, CHLB Đức…
Ở nước ta, chuyển đổi số là một trong những nội dung quan trọng được Đại hội XIII của Đảng quan tâm. Nghị quyết của Đại hội XIII khẳng định: Cùng với sự phát triển mạnh mẽ khoa học - công nghệ và đổi mới sáng tạo thì chuyển đổi số là một trong ba trụ cột (Chính phủ số - kinh tế số - xã hội số) để thực hiện phát triển nhanh, phát triển bền vững; đồng thời là một trong những khâu đột phá lớn, góp phần "tạo bứt phá về năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh".
Mới đây, trong chuyến thăm Việt Nam trong 2 ngày 30-4 và 1-5, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio và đoàn đại biểu cấp cao Nhật Bản cùng Thủ tướng Phạm Minh Chính đã tham dự hội thảo hợp tác giữa Việt Nam - Nhật Bản về "đổi mới công nghệ, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng" (do Bộ Công Thương, Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản, Tổ chức Xúc tiến thương mại quốc tế Nhật Bản - JETRO, tổ chức hôm 1-5).
Nhật Bản là quốc gia có nền kinh tế phát triển ở trình độ cao, công nghệ tiên tiến hàng đầu thế giới, là một trong những nước đi đầu về ứng dụng khoa học công nghệ và phát triển kinh tế số, xã hội số. Trước đó, vào tháng 11-2021, trong chuyến thăm Nhật Bản của Thủ tướng Phạm Minh Chính, hai bên cũng đã khởi động 3 sáng kiến về hợp tác đổi mới công nghệ, công nghiệp, chuyển đổi số và đa dạng hóa chuỗi cung ứng. Kể từ đó đến nay, hai bên đã hợp tác chặt chẽ hơn trên các lĩnh vực này.
Đẩy mạnh phát triển công nghệ số cùng với mở rộng hợp tác về công nghệ và chuyển đổi số, hứa hẹn sẽ nhanh chóng mở ra những sự đột phá mới, đưa công nghệ vào phục vụ đời sống người dân tốt hơn và thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội toàn diện.
Theo LƯƠNG DUY CƯỜNG (NLĐO)