Cần hỗ trợ miền Trung khắc phục thiên tai bão lũ theo hướng bền vững, lâu dài

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Những ngày này người dân cả nước, kiều bào ra sức chung tay đóng góp ủng hộ nhân dân miền Trung khắc phục hậu quả sau lũ lụt. Đó là những bao gạo, thùng mì tôm, dầu ăn, nước mắm, sách vở giúp các em học sinh tiếp tục đến trường,… lớn hơn là những số tiền giúp bà con chịu cảnh thiệt hại về nhà cửa, của cải làm ăn vượt qua giai đoạn khó khăn, từng bước ổn định đời sống. Sự san sẻ, giúp đỡ trong thời điểm khó khăn này đã thể hiện rõ nét nghĩa cử cao đẹp của cộng đồng người Việt dành cho nhau đúng với tinh thần “lá lành đùm lá rách”. Hành động, nghĩa cử cao đẹp ấy rất cần duy trì và phát huy qua nhiều thế hệ bởi sự yêu thương, đùm bọc, đoàn kết chính là yếu tố, nền tảng vững chắc góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam giàu mạnh bền vững.

a
T.Ư Hội Chữ thập đỏ Việt Nam trao tặng tiền và các hàng hóa cứu trợ thiết yếu phù hợp cho người dân sau mưa lũ. (ảnh: nhandan)


Do điều kiện vị trí, địa lý không thuận lợi cùng với sự ảnh hưởng của biến đổi khí hậu ngày càng phức tạp, vùng Duyên Hải miền Trung nước ta là một trong những nơi chịu ảnh hưởng nhiều nhất từ thiên tai, bão lũ. Và việc vận động, kêu gọi đồng bào cả nước và kiều bào quyên góp, ủng hộ cho đồng bào miền Trung sau bão lũ gần như là việc làm thường xuyên, “đến hẹn lại lên”. Nhà nhà đóng góp, người người đóng góp với tinh thần “có gì góp đó” với mong muốn giúp bà con ổn định cuộc sống sau bão lũ nhanh chóng.

Người dân vùng lũ chịu thiệt hại về tài sản là quá rõ ràng nhưng chúng ta cũng phải nhận thức rằng cần có một chiến lược, kế hoạch lâu dài, bền vững để giúp cho đồng bào miền Trung nói riêng và nhân dân chịu thiệt hại do thiên tai nói chung có thể khắc phục, hạn chế tối đa thiệt hại sau mưa bão. Không thể cứ để tái diễn việc ủng hộ, đóng góp sau bão lũ ở một quốc gia đang hướng đến phát triển toàn diện, trong đó chú trọng đến đời sống dân sinh ổn định và phát triển bền vững về kinh tế, nó không chỉ “nhàm” về cách thức lối nghĩ, hành động mà về lâu dài còn gây ảnh hưởng lớn đến nền kinh tế chung của cả nước. Hơn nữa Việt Nam cũng là một trong số các quốc gia đề cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống biến đổi khí hậu.

Chiến lược lâu dài có thể hiểu chính là sự chủ động của Nhà nước trong việc đầu tư nguồn lực đủ lớn vào các hệ thống thoát nước, kênh mương, đê điều, bao gồm quan tâm đến công trình điều tiết hệ thống sông ngòi tránh bồi lấp cản trở việc thoát nước trong thời điểm mư lớn và quan trọng không kém là đầu tư nâng cấp, ứng dụng kiến trúc hợp lý cho cấu trú nhà cửa của người dân vùng lũ. Bên cạnh đó là sự tuyên truyền, giáo dục nâng cao ý thức của người dân miền Trung trong việc bảo vệ lòng sông, không lấn sông, biển, tích cực tham gia bảo vệ môi trường góp phần phòng-chống hậu quả biến đổi khí hậu.

Ksor H’Yuên

Có thể bạn quan tâm