"Cần kết nối nguồn nhân lực trình độ cao ngoài tỉnh và ngoài nước"

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Sau gần nửa năm ra mắt, chuyên mục “Tôi-người Gia Lai” đã khắc họa chân dung 20 gương mặt tiêu biểu của những người con Gia Lai đang công tác ngoài tỉnh và ngoài nước với những thành công nhất định trên các lĩnh vực: nghiên cứu khoa học, y tế, giáo dục, thể thao, văn hóa-giải trí, lực lượng vũ trang… Sau khi chuyên mục kết thúc, qua theo dõi loạt bài, PGS.TS. Nguyễn Danh-Chủ tịch Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh, nguyên Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh, nguyên Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ nhận định:

Rõ ràng họ là những tài năng quý về khoa học-công nghệ nói riêng và trên các lĩnh vực khác nói chung. Rất tiếc Gia Lai chưa có đầy đủ môi trường cho họ cống hiến trực tiếp tại tỉnh nhà. Nhưng dù công tác ở đâu mà đóng góp được cho sự phát triển chung của đất nước thì cũng đáng trân trọng. Vấn đề là làm thế nào có những cơ chế và chính sách thích hợp để phát huy được năng lực của họ đối với Gia Lai mặc dù họ đang công tác ở ngoài tỉnh, ngoài nước.

 

PGS.TS. Nguyễn Danh
PGS.TS. Nguyễn Danh

* 20 gương mặt xuất hiện trong chuyên mục chỉ là số ít trong rất nhiều người Gia Lai đang gặt hái được những thành công trên các lĩnh vực mà Báo Gia Lai có cơ hội tiếp cận, kể cả ngoài tỉnh và ngoài nước. Theo ông, Liên hiệp Hội có thể làm gì để phát huy năng lực của họ, nhất là nhân lực trình độ cao (từ thạc sĩ trở lên) trong lĩnh vực khoa học-công nghệ?

- Liên hiệp các Hội Khoa học Kỹ thuật tỉnh có vai trò tập hợp, đoàn kết trí thức khoa học-công nghệ nhằm góp phần phát triển tỉnh nhà. Qua Báo Gia Lai, chúng tôi có được thông tin về những người con của Gia Lai, đặc biệt những người có trình độ cao, hiện đang công tác và thành đạt ở nơi khác, từ đó có cách để liên hệ, kết nối và tham mưu các cấp thẩm quyền để phát huy năng lực của họ nhằm đóng góp vào sự phát triển chung của tỉnh nhà. Ví dụ như sẽ data hóa dữ liệu của họ và cung cấp trên website của Liên hiệp Hội để nhiều người có thể liên lạc khi cần; mời dự họp cùng Ban Thường vụ Liên hiệp Hội và các tiến sĩ trong tỉnh (có thể nhân dịp đầu năm mới Ất Mùi này) để giao lưu và tìm cơ hội hợp tác trong các hoạt động khoa học công nghệ. Ngoài ra, khi có các hội nghị, hội thảo liên quan đến lĩnh vực chuyên môn của họ thì có thể liên hệ mời về tham dự, báo cáo... Theo tôi, nếu chưa có điều kiện thích hợp mà kêu gọi họ trở về làm việc tại Gia Lai là rất khó. Cách làm tốt là phát huy sự đóng góp của họ cho đất nước và tranh thủ sự đóng góp của họ đối với tỉnh nhà.

* Được biết đến như là một người rất quan tâm đến vấn đề thu hút nhân tàii, ông đánh giá ra sao về tầm quan trọng cũng như hiệu quả của chính sách này tại Gia Lai trong những năm gần đây?

- Vai trò của hiền tài trong phát triển, đặc biệt trong thời kỳ kinh tế tri thức, thì đã rõ. Nhận thấy yếu tố quan trọng này, thời gian qua lãnh đạo tỉnh nhà đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đào tạo và thu hút nhân lực trình độ cao về công tác tại tỉnh nhà; tuy nhiên kết quả thu hút vẫn còn khiêm tốn. Có nhiều nguyên nhân nhưng khách quan mà nói thì một tỉnh chưa tự chủ kinh phí thì làm sao để có chế độ hỗ trợ tài chính vượt trội! Một nguyên nhân khác không kém phần quan trọng là yếu tố điều kiện và môi trường làm việc còn nhiều hạn chế như: cơ sở, trang-thiết bị, sự hợp tác, chia sẻ, giao lưu, sự đồng bộ của đội ngũ cộng sự... Chế độ đãi ngộ là cần thiết nhưng lâu bền là môi trường làm việc; vì vậy cần có sự bố trí, đánh giá đúng đắn và có sự tôn trọng. Sự đãi ngộ về điều kiện vật chất, thu nhập là cần thiết, nhưng quan trọng hơn là người làm khoa học cần một môi trường làm việc thích hợp để phát huy, cống hiến cho sự phát triển.

* Vậy theo ông, việc tạo môi trường làm việc thuận lợi nên bắt đầu từ đâu?

- Muốn tạo môi trường làm việc thích hợp, ngoài việc cải cách thể chế hành chính, người lãnh đạo luôn cần có tư duy cách mạng tiến công. Cần tạo ra môi trường thuận lợi cho nhà khoa học làm việc và cống hiến kể cả trong đánh giá, bố trí sử dụng. Cần thấy rằng không phải tất cả những nhà khoa học đều có những công trình xuất chúng, nhưng thực sự là họ vẫn cần mẫn, âm thầm tìm tòi, nghiên cứu để thúc đẩy phát triển đấy chứ? Nghiên cứu ứng dụng cần đòi hỏi về thời gian, không thể đốt cháy giai đoạn nên sẽ không thể là “mì ăn liền”. Phát triển là yêu cầu và cũng là quy luật tất yếu; vấn đề là tạo điều kiện cần và đủ để phát triển được.

* Xin cảm ơn ông về cuộc trò chuyện này!

Phương Duyên (thực hiện)

Có thể bạn quan tâm