Cần lắm những cơ sở giết mổ gia súc tập trung

Theo dõi Báo Gia Lai trên Google News

(GLO)- Mặc dù đã có không ít cuộc họp bàn thảo về việc quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc tập trung, nhưng các cơ sở giết mổ nhỏ lẻ hộ gia đình vẫn tiếp tục phát triển tự phát khiến công tác kiểm tra, kiểm dịch ngày một thêm khó…

Nhiều cơ sở vi phạm

Suốt nửa tháng qua, đoàn kiểm tra liên ngành về đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm (ATVSTP) của tỉnh đã tiến hành kiểm tra hoạt động giết mổ gia súc trên địa bàn. Tại đây, đoàn đã phát hiện nhiều sai phạm, trong đó có những cơ sở chế biến sử dụng thực phẩm hết hạn, cơ sở xả nước thải gây ô nhiễm môi trường…

 

Một điểm giết mổ gia súc tại thị xã An Khê. Ảnh: N.G

Hầu hết các điểm chế biến, sản xuất, kinh doanh giò, chả, thịt heo quay đều có những sai phạm. Trong số đó, cơ sở sản xuất và mua bán nem chả trên đường Thống Nhất (phường Ia Kring, TP. Pleiku) sử dụng cả thực phẩm hết hạn gần 3 tháng. Qua kiểm tra, đoàn phát hiện 6,5 kg bột giòn dai hiệu Meat plus+400, trên bao bì có ghi thời hạn sử dụng 28-3-2013. Chủ cơ sở cho rằng do mua số lượng nhiều để sản xuất nên không để ý đến. Các phụ gia thực phẩm vi phạm được đoàn tịch thu, niêm phong tiêu hủy. Với vi phạm sử dụng phụ gia hết hạn, cơ sở sản xuất được đoàn nhắc nhở đồng thời kiến nghị xử phạt hành chính với số tiền 15 triệu đồng.

Riêng với những cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm, tại thời điểm kiểm tra thì hầu hết đều không đảm bảo vệ sinh về điều kiện giết mổ như khu nuôi nhốt, làm sạch, hệ thống xử lý nước thải đều không đạt yêu cầu khi kiểm tra. Tại cơ sở giết mổ gia súc Châu Phú (tổ 5, phường An Phú, thị xã An Khê), hầu hết việc giết, xẻ thịt heo đều diễn ra trên nền đất, nước thải xả thẳng ra sau nhà và chảy vào ruộng…

Tại những điểm kiểm tra khác trên địa bàn thị xã An Khê, huyện Chư Sê, TP. Pleiku, phần lớn đều diễn ra tương tự. Bên cạnh đó, có những điểm giết mổ do cơ sở chật hẹp nên việc mổ xẻ, phân phối thịt đều diễn ra trên nền đất không đảm bảo vệ sinh, kể cả nơi mổ thịt nằm dưới đất ngay cạnh nơi nhốt chó, mèo…

Ông Trần Minh Châu-chủ một cơ sở giết mổ gia súc tại thị xã An Khê nói: Việc giết mổ gia súc tại nhà, đây là công việc chúng tôi không hề mong muốn. Đề nghị thị xã đầu tư xây dựng điểm giết mổ tập trung.

Cần mạnh tay xử lý

Qua kiểm tra thực tế về công tác đảm bảo ATVSTP cho thấy, các hộ kinh doanh phần nào ý thức được về việc đảm bảo vệ sinh. Tuy nhiên với những điều kiện khác nhau, những nỗ lực của cán bộ y tế thông qua tuyên truyền, tập huấn về kiến thức ATVSTP cho các hộ kinh doanh, người chế biến chỉ ở mức độ giới hạn.

 

Ảnh: N.G

Bởi lẽ, việc quản lý giết mổ gia súc, gia cầm từ trước đến nay đều thực hiện theo một quy trình “ngược”: giết mổ, kiểm tra, đóng dấu, phân phối đến người tiêu dùng… Lẽ ra công việc giết mổ cần được kiểm soát một cách chặt chẽ, kiểm dịch phát hiện động vật mắc bệnh để phân loại. Ở đây, tất cả những động vật có bệnh hay kể cả những động vật đã chết đều được đóng dấu “đã kiểm dịch” và thu tiền tại những nơi thực phẩm đã được chia nhỏ mà không hề quan tâm đến chuyện thực phẩm có đảm bảo hay không.
 

Vừa qua, đoàn kiểm tra liên ngành về lĩnh vực an toàn thực phẩm đã tổ chức họp tổng kết đợt kiểm tra sau hơn nửa tháng triển khai kiểm tra tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh giò, chả, giết mổ gia súc trên địa bàn tỉnh, qua đó đã xử phạt vi phạm hành chính với 7 cơ sở vi phạm trong tổng số 15 nơi được kiểm tra, tổng số tiền xử phạt trong đợt này 27.500.000 đồng.

Ông Nguyễn Văn Đang- Chi cục trưởng Chi cục ATVSTP tỉnh cho biết: Hầu hết cơ sở kinh doanh đều nhỏ lẻ, không tập trung dẫn đến tình trạng mạnh ai nấy làm. Nguyên nhân là do trên địa bàn tỉnh chưa có đầy đủ cơ sở giết mổ tập trung. Chúng tôi mong tỉnh sớm cho thành lập các điểm tập trung để việc quản lý, kiểm dịch được tốt hơn, người tiêu dùng theo đó cũng an tâm hơn khi chọn mua những thực phẩm đã được làm tốt từ khâu chế biến.

Hiện nay, tại các huyện Krông Pa, Đức Cơ, Chư Sê có 3 cơ sở giết mổ gia súc tập trung. Các điểm này hiện đang hoạt động rất thuận lợi.  Tại địa bàn TP. Pleiku, theo thống kê sơ bộ có khoảng gần 100 điểm giết mổ nhỏ lẻ nhưng lại không hề có một điểm nào đạt yêu cầu và cũng chưa có một cơ sở giết mổ tập trung. Trong khi đó, vài năm trước, một cá nhân trên địa bàn TP. Pleiku đã bỏ ra gần cả tỷ đồng để xây dựng cơ sở giết mổ tập trung, nhưng vài ngày sau khi đưa vào hoạt động không có một chủ lò nào đưa động vật đến vì cho là giá tiền thu quá cao, cơ sở này hiện tại bỏ hoang.

Cũng với loại hình tập trung này, vài năm qua, cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm tập trung tại tổ dân phố 9, thị trấn Chư Ty, huyện Đức Cơ do ông Nguyễn Xuân Quang làm chủ đã hoạt động rất hiệu quả. Điều quan tâm trong mô hình này chính là việc quan tâm từ phía chính quyền hỗ trợ cùng người dân đầu tư xây dựng cơ sở, đây cũng là việc giảm một phần chi phí đầu tư nên phí thu giết mổ gia súc có thấp hơn so với nơi khác 10-20 ngàn đồng/con.

Người tiêu dùng hiện nay đang có xu hướng tiêu thụ sản phẩm động vật sạch, đảm bảo xử lý vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ. Do vậy, mô hình xã hội hóa trong việc giết mổ gia súc là rất cần thiết. Để các cơ sở này hình thành rất cần sự quan tâm, chỉ đạo quyết liệt từ phía chính quyền địa phương, cũng như việc hỗ trợ một phần kinh phí với những cá nhân tham gia mô hình tập trung.

Nguyễn Giác

Có thể bạn quan tâm