(GLO)- Báo chí nhiều năm qua thường có những bài viết đề cậpnhững công trình dân sinh có vốn đầu tư từ Nhà nước, có chất lượng kém, nhanh hư hỏng và tổng giá thành rất đắt. Đây là một vấn nạn gây ra sự thất thoát và lãng phí chẳng khác gì nạn tham nhũng.
Gần đây, chúng tôi đi thực tế một vài công trình thủy lợi trên địa bàn tỉnh; có công trình đã hoàn thành và cũng có công trình mới bắt đầu xây dựng; có công trình kéo dài gần chục năm, có công trình dự tính khởi công từ lâu nhưng không có vốn phải nằm chờ cho đến nay mới thực hiện. Hầu hết các công trình này đều có nguồn vốn Trung ương đầu tư.
Ảnh: Đức Thụy |
Qua quan sát thực địa, chúng tôi thấy cách thiết kế, đầu tư cho một công trình như các công trình thủy lợi trên địa bàn còn nhiều vấn đề cần bàn. Trước hết, về quan điểm đầu tư cho các công trình phúc lợi, dân sinh phải có cái nhìn toàn cục, tức là các dự án này đem lại lợi ích cho dân, phục vụ thiết thực cho cuộc sống người dân nên cần được đầu tư xây dựng một cách hữu hiệu, bền vững và tiết kiệm nhất. Các ngành và địa phương cùng phối hợp tạo điều kiện thuận lợi cho công trình được nhanh chóng hoàn thành, đồng thời liên thông xây dựng các công trình phụ trợ (nếu có) để giúp việc thi công công trình chính được thuận lợi. Thứ đến, tăng cường giám sát việc thi công công trình từ các hạng mục để tránh sự thất thoát, lãng phí có thể xảy ra. Cuối cùng là có sự đánh giá hiệu quả và chất lượng công trình sau khi hoàn thành và qua thời gian bảo hành. Từ đó có những ràng buộc về mặt pháp lý đối với các đơn vị thi công và chủ đầu tư.
Theo dõi công trình thủy lợi Ia Mlah ở huyện Krông Pa, chúng tôi có nhận xét rằng: Mặc dù công trình đã hoàn thành cách đây hơn 2 năm nhưng hiệu quả không như mục tiêu đề ra là tưới cho 5.000 ha lúa nước và hoa màu trên địa bàn. Lý do là sau khi xây dựng đập chính, hồ chứa nước và các kênh dẫn nước chính-phụ nhưng đã “quên” xây dựng kênh nội đồng. Với nội lực của một địa phương nghèo như Krông Pa thì không thể đủ sức để làm hàng vạn mét kênh mương dẫn thủy nhập điền phục vụ sản xuất. Vì vậy, những năm qua, dù có công trình thủy lợi, nước vẫn chảy… nhưng ruộng vẫn thiếu nước. Đó là một nghịch lý mà những nhà đầu tư, những ai trực tiếp xây dựng công trình đã làm ngơ một cách khó hiểu!
Mới đây, chúng tôi đến với công trình thủy lợi Ia Mơr thuộc huyện Chư Prông đang tiến hành thi công hạng mục đập chính, đập tràn và cửa nhận nước. Đây là công trình thủy lợi lớn ở Tây Nguyên, được thiết kế tưới cho trên 12.000 ha hoa màu của liên tỉnh Gia Lai, Đak Lak, chỉ sau thủy lợi Ayun Hạ (tưới cho 13.000 ha). Công trình này theo dự tính được thi công sớm hơn nhưng do khủng hoảng kinh tế vừa qua nên phải dừng lại, cho đến nay mới được đầu tư thi công từng hạng mục theo kiểu cuốn chiếu. Những điều chứng kiến trên thực tế đã làm chúng tôi băn khoăn. Đó là hạ tầng phục vụ thi công công trình như đường giao thông, nguồn nước sạch, các dịch vụ cung ứng nhu cầu cho công nhân các bên thi công… đều chưa được chuẩn bị chu đáo. Con đường giao thông nối xã Ia Băng (huyện Chư Prông) đến công trình đã bị hư hỏng từ lâu, các phương tiện giao thông đi lại rất khó khăn nên ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, chất lượng và tổng giá thành của công trình sẽ đội lên cao. Việc tính toán lòng hồ ngập cả hàng ngàn ha rừng khộp nơi đây có lẽ chưa được phân tích kỹ càng, nhất là làm thay đổi hệ sinh thái đặc thù của vùng rừng tự nhiên. Công tác quy hoạch các vùng tưới và hệ thống kênh mương nội đồng chưa được đề cập một cách chi tiết. Đồng thời, vấn đề quan trọng cuối cùng là tính toán đến việc khai thác và hiệu quả sau khi công trình hoàn thành, đặc biệt là lực lượng lao động và phát triển nông nghiệp theo mô hình nào để đem lại lợi ích cao nhất cho người dân nơi đây, cần có những đề án khả thi.
Thiết nghĩ, Ia Mơr là một công trình thủy lợi lớn của Tây Nguyên vừa tưới tiêu vừa cung cấp nước sinh hoạt, nằm trên địa bàn khó khăn, gần biên giới nên việc đầu tư cần tính đến lợi ích tổng hợp và có cái nhìn về tương lai cho sự phát triển bền vững trên vùng đất mới.
Hoàng Linh Việt